Theo khảo sát của Cục Báo chí với 158 cơ quan báo chí in và điện tử được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí năm 2023 vừa qua, trong hai năm đại dịch Covid-19, doanh thu của những đơn vị này đều giảm sút. Trong đó, doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng). Doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình năm 2021 giảm 10% so với năm 2020.
Trong những năm qua, một số báo, tạp chí cũng đã biến mất trên thị trường, như Thế Giới Vi Tính, Làm bạn với máy tính, E-Chip, E-Chip Mobile, The Saigon Times Daily... Trên thế giới, nhiều báo in cũng đã ngưng phát hành, chuyển sang xuất bản trực tuyến, như Newsweek, The Independent, The New York Times...
Quảng cáo trước đây là nguồn thu chính của các cơ quan báo chí, nhưng số liệu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí năm 2023 vừa qua cho thấy, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%, nhưng giờ đây nguồn thu này sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.
Viện Nghiên cứu Báo chí (thuộc Reuters) đã đưa ra dự báo về một số xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ trong năm 2023 rằng, nhiều tờ báo sẽ ngừng sản xuất bản in hằng ngày do chi phí in tăng và mạng lưới phân phối yếu.
Có thể thấy, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo in sẽ không còn cơ hội để trở lại "thời hoàng kim" như trước đây và tương lai sẽ còn nhiều tờ báo in tiếp tục biến mất, thay vào đó là báo điện tử.
Thống kê đến tháng 7/2022, khi dịch Covid-19 bị đẩy lui, lượng truy cập vào các báo điện tử Việt Nam đã tăng so với tháng trước. Chẳng hạn, Báo Lao Động tăng 16,23%, Thanh Niên tăng 11,2%, VietNamNet tăng 5,81%, VnExpress tăng 3,22%, Dân Trí tăng 2,34%, Tuổi Trẻ tăng 1,97%,Tạp chí Tri Thức tăng 0,53%.
Kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, hiện có 5 cơ quan báo chí điện tử triển khai thu phí, đó là VietnamPlus, VietNamNet, Ngày Nay, Tuổi Trẻ, Người Lao Động.
Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu sơ bộ từ một số lãnh đạo cơ quan báo chí, cho đến nay nguồn thu phí đối với bạn đọc còn khá khiêm tốn. Một số báo chuẩn bị thu phí nhưng vẫn đắn đo về thời điểm và cách thức triển khai. Bởi nếu là thu phí với những nội dung không có gì đặc sắc, bạn đọc sẽ không bao giờ bỏ tiền để mua một thứ có thể tìm kiếm miễn phí ở rất nhiều kênh thông tin khác.
Chỉ có sự sáng tạo trong việc sản xuất nội dung và cách thức ứng dụng công nghệ phù hợp để phục vụ độc giả, khán thính giả nhanh chóng, hài lòng thì cơ quan báo chí mới tồn tại bền vững.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí dự báo sự bùng nổ tính sáng tạo trong cách kể chuyện bằng video ngắn trên các mạng xã hội dành cho giới trẻ. Trong năm 2023, nhiều tòa soạn có thể sử dụng kỹ thuật này trong khi video có xu hướng dài hơn để tìm kiếm doanh thu.
Trong sách Hơn cả tin tức, Beyond News đã chỉ ra tương lai của báo chí chính là báo chí diễn giải. Diễn giải tin tức một cách thông minh, chính xác, sâu sắc sẽ giúp cho báo chí vượt qua được thách thức hiện hữu. Những chuyện truyền cảm hứng, chân thực vẫn sẽ là nội dung cốt lõi để giữ được độc giả.
Sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội tạo ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho những người làm báo Việt Nam. Chính vào lúc này, các cơ quan báo chí chính thống phải có trách nhiệm lan tỏa những điều tốt đẹp, thông qua việc phản ánh hiện thực cuộc sống trên các nền tảng số phù hợp. Tùy theo tôn chỉ, mục đích của mỗi tờ báo, các cơ quan báo chí chính thống phải nhìn lại mình để thay đổi cả về cách thức sản xuất nội dung và phương thức kinh doanh cho phù hợp với thời cuộc.
Sáng tạo là bắt buộc đối với mọi cơ quan báo chí để tồn tại, nhưng mục tiêu cao nhất của báo chí cách mạng vẫn là phụng sự Tổ quốc, phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Các cơ quan báo chí chính thống phải bắt nhịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và vận dụng phù hợp với mô hình của mỗi tòa soạn để sáng tạo nội dung hay và hấp dẫn.
Một số tờ báo thu phí bạn đọc hiện nay VietnamPlus Năm 2018, Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam trở thành cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital. Mỗi ngày, VietnamPlus phát hành khoảng 5-10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... do tòa soạn sản xuất, hoặc dịch theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. VietnamPlus chọn hướng đi này vì đây là xu hướng của báo chí thế giới, mặt khác cũng là do sự chuyển đổi cách thức quảng cáo và sụt giảm nguồn thu. Tính ra mỗi bản tin của VietnamPlus chỉ thu 5.000 đồng, nếu đọc một tuần là 10.000 đồng, một tháng là 30.000 đồng và hai tháng là 60.000 đồng. Ngày Nay Ngày 29/3/2021, Ngày Nay của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là tạp chí điện tử đầu tiên tại Việt Nam thu phí trực tuyến với các sản phẩm báo chí đặc biệt. Theo đó, để có thể đọc và lưu trữ một số bài báo trong chuyên mục Special Today trên Tạp chí điện tử Ngày Nay, bạn đọc phải thanh toán qua nền tảng ViettelPay, Bank Plus, thẻ ATM của hơn 40 ngân hàng trong nước, các loại thẻ quốc tế như Visa, Master Card, JCB, American Express. Những bài báo được thu phí trong chuyên mục Special Today có chất lượng cao, được đầu tư công phu bởi đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, những cây bút có tên tuổi trong và ngoài nước. Bạn đọc có thể lựa chọn hình thức thanh toán để đọc bài viết theo tuần, theo tháng, theo quý, theo năm (tối đa 180.000 đồng/năm). VietNamNet Ngày 15/6/2021, Báo điện tử VietNamNet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thu phí thông qua chuyên mục VietNamNet Premium. Khác với những thông tin thời sự được cập nhật từng phút như lâu nay độc giả vẫn theo dõi trên trang báo, VietNamNet Premium mang đến cách tiếp cận theo chiều sâu cho mỗi thông tin, mỗi vấn đề nảy sinh trong xã hội. Mỗi bài viết là một vấn đề xã hội nhưng khởi nguồn từ những câu chuyện nhỏ mang đậm hơi thở cuộc sống. Kèm với đó là những dữ liệu, biểu đồ được phóng viên, biên tập viên dày công thu thập, xây dựng để giúp độc giả có cái nhìn trực quan và sinh động hơn. Mỗi bài báo đều gợi mở những giải pháp cho những vấn đề của đời sống xã hội, của đất nước và có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. VietNamNet hiện có gói cước ba tháng 399.000 đồng, 6 tháng 599.000 đồng và một năm 999.000 đồng. Người Lao Động Ngày 28/7/2022, vào dịp mừng sinh nhật lần thứ 47, Báo Người Lao Động thuộc Thành ủy TP.HCM đã công bố mô hình thu phí đọc báo điện tử qua chương trình "Dành cho bạn đọc VIP". Với 100.000 đồng, độc giả được quyền truy cập không giới hạn chuyên mục này suốt 30 ngày. Người Lao Động Điện tử còn có nhiều gói thu phí để độc giả tùy chọn, kể cả trả phí theo từng bài. Cụ thể, gói ba tháng 200.000 đồng, gói 6 tháng 300.000 đồng, gói 9 tháng 500.000 đồng, gói 12 tháng 600.000 đồng và gói 24 tháng 1 triệu đồng. Cách thức đăng ký và thanh toán rất đơn giản, an toàn thông qua sự hợp tác kỹ thuật với VCCorp, NAPAS và MoMo. Tuổi Trẻ Ngày 26/12/2022, nhân dịp thử nghiệm giao diện mới được thiết kế theo hướng hiện đại, Tuổi Trẻ Online đã giới thiệu phiên bản đặc biệt mang tên Tuổi Trẻ Sao. Đây là một phiên bản đặc biệt, có thu phí của Báo Tuổi Trẻ với nhiều chuyên mục mới. Điều đáng chú ý khi chọn Tuổi Trẻ Sao, bạn đọc sẽ được trải nghiệm nội dung thông suốt, không bị xen lẫn quảng cáo. Tuổi Trẻ Sao mở ra thêm một phương thức mới để bạn đọc có thể hỗ trợ nguồn lực phát triển Báo Tuổi Trẻ bằng cách đóng góp các ngôi sao (có thể chuyển đổi ra chi phí giao dịch) để tham gia hoạt động và tương tác trên Tuổi Trẻ Online. Cụ thể, bạn đọc có thể tặng cho tác giả, đổi quà lưu niệm (tùy theo chương trình), đăng ký quảng cáo, mua sắm online... Tuổi Trẻ Sao đang được niêm yết gói cho 6 tháng với chi phí 180.000 đồng, 1 sao 1.000 đồng. Độc giả có thể thanh toán Tuổi Trẻ Sao bằng các hình thức Ví MoMo, thẻ ATM nội địa sử dụng cổng thanh toán VNPAY, thẻ ATM nội địa sử dụng cổng thanh toán NAPAS, thanh toán bằng thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Mastercard, JCB...). |