Xây dựng "thủ phủ bò sữa" Lâm Đồng

HỒNG NGA| 18/06/2015 04:03

Bằng việc ký kết với Vinamilk và các công ty sản xuất sữa, tỉnh Lâm Đồng đang quyết tâm biến vùng đất đồi núi này thành "thủ phủ bò sữa" của cả nước...

Xây dựng

Bằng việc ký kết với Vinamilk và các công ty sản xuất sữa, tỉnh Lâm Đồng đang quyết tâm biến vùng đất đồi núi này thành "thủ phủ bò sữa" của cả nước...

Đọc E-paper

Tăng đàn bò

UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty Vinamilk vừa ký thỏa thuận khung về hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, nhằm đưa Lâm Đồng trở thành một trong những vùng nguyên liệu sữa lớn, chất lượng cao.

Cụ thể, thông qua chương trình hợp tác này, tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng từ 2 đến 3 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 10.000 con.

Các trang trại của Vinamilk sẽ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nguồn tinh bò sữa thuần chủng, thức ăn chăn nuôi bò sữa cho các hộ chăn nuôi trong khu vực.

Bên cạnh đó, Vinamilk sẽ xây dựng các trung tâm trung chuyển, thu mua sữa tươi để đảm bảo thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa của nông dân.

Khi Vinamilk thu mua đạt trên 200 tấn sữa tươi/ngày, Công ty sẽ xem xét dự án đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại đây.

Trước Vinamilk, Lâm Đồng đã cấp đất cho Công ty CP Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) để nuôi 30.000 con bò sữa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 15.410 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương (9.674 con), Đức Trọng (3.380 con), Lâm Hà (916 con) và TP.Bảo Lộc (1.200 con) với tổng sản lượng 120 tấn sữa tươi/ngày.

Trong đó, có 5 đơn vị chăn nuôi bò sữa tập trung (gồm Vinamilk, Dalatmilk, Công ty TNHH Agrivina, Công ty TNHH Bò sữa Lâm Đồng và Công ty TNHH KoBe Việt Nam) có quy mô trang trại công nghiệp với tổng đàn 3.210 con, chiếm 21% lượng bò sữa của tỉnh.

Trong Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020, tỉnh xác định các khu vực phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò sữa, diện tích trồng cỏ đảm bảo cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa.

UBND tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đảm bảo được vùng nguyên liệu, có đầy đủ cơ sở vật chất, chất lượng con giống, quy trình khép kín đồng cỏ - chăn nuôi - chế biến sữa - thị trường.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết, bên cạnh 5 DN đầu tư trang trại, cả tỉnh hiện có 1.556 hộ chăn nuôi 12.200 con bò sữa.

Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 15.410 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương (9.674 con), Đức Trọng (3.380 con), Lâm Hà (916 con) và TP.Bảo Lộc (1.200 con) với tổng sản lượng 120 tấn sữa tươi/ngày.

Trong đó, có 5 đơn vị chăn nuôi bò sữa tập trung (gồm Vinamilk, Dalatmilk, Công ty TNHH Agrivina, Công ty TNHH Bò sữa Lâm Đồng và Công ty TNHH KoBe Việt Nam).

Theo định hướng phát triển, đến năm 2020, đàn bò sữa của tỉnh sẽ tăng lên 40.000 - 50.000 con, đạt sản lượng sữa tươi khoảng 180.000-200.000 tấn/năm.

Việc này sẽ giúp nông dân cải thiện đáng kể đời sống kinh tế. Tại Lâm Đồng hiện nay, một gia đình chỉ cần nuôi 5 con bò sữa là đã có cuộc sống sung túc với hai con học đại học.

Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, mô hình DN liên kết với nông dân đã rất tốt.

Trong tương lai, việc xây dựng những trang trại lớn đòi hỏi về nhu cầu thức ăn tươi và nước sạch cho bò sữa. Vì thế, Lâm Đồng đã lên kế hoạch phát triển những vùng trồng cỏ để phục vụ cho chăn nuôi.

Tính toán của ông Yên cho thấy, 1ha đất trồng lúa với năng suất 7 tấn, người nông dân thu được 35 triệu đồng, làm 2 mùa có thể thu được 70 triệu đồng/năm.

>>Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng hợp tác phát triển đàn bò sữa

>>Nhiều chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò sữa

Nhưng nếu trồng cỏ, mỗi năm, người nông dân có thể thu hoạch 200 tấn với doanh thu lên đến 240 triệu đồng. Vì thế, cùng với việc phát triển đàn bò sữa, tỉnh cũng đã quy hoạch những khu vực trồng cỏ phù hợp phục vụ chăn nuôi.

Nhà máy sữa hữu cơ?

Hiện nay, lượng sữa tươi của Lâm Đồng do các công ty sữa mua 100%, trong đó Vinamilk mua 70%, Friesland Campina Việt Nam mua 20% và Dalatmilk mua 10%, đã tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh.

Năm 2005, Lâm Đồng chỉ có 2.910 con bò sữa nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 13.328 con, và hiện nay là 15.410 con. Sản lượng sữa tươi cũng đã tăng từ 6.300 tấn năm 2006 lên 40.000 tấn năm 2014.

Không chỉ vậy, xu hướng chăn nuôi trang trại bắt đầu phát triển cả về số lượng và quy mô; năng suất và chất lượng sữa tươi được cải thiện đáng kể.

Trong số các công ty thu mua sữa tươi của nông dân thì Vinamilk có đến 6 trạm thu mua nhưng hiện đã quá tải so với lượng sữa cung ứng, vì vậy, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định cấp đất để Vinamilk xây dựng thêm 5 trạm.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk, cho rằng, tiềm lực là ở nông dân (lao động và đất đai) vì vậy phải làm sao khai thông được lực lượng này mới có thể phát triển bền vững.

Trong kế hoạch năm 2015 - 2020, Vinamilk sẽ liên kết chặt chẽ với nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng từ trồng trọt - chăn nuôi - sản xuất - chế biến -phân phối. Tuy nhiên, mục tiêu 50.000 con bò sữa mà tỉnh Lâm Đồng đặt ra đến năm 2020, theo ông Dũng là quá ít.

"TP.HCM với mức độ đô thị hóa rất cao, khí hậu lại không phù hợp nhưng hiện đã phát triển đàn bò sữa lên đến 100.000 con mà Lâm Đồng đưa ra chỉ tiêu như vậy là quá khiêm tốn. Với điều kiện hiện có, Lâm Đồng hoàn toàn có thể phát triển thành "thủ phủ bò sữa" với số lượng 100.000 - 200.000 con trong thời gian tới", ông Dũng nói.

Trước thực tế của tỉnh, ông Nguyễn Văn Yên đề xuất Vinamilk thành lập nhà máy sản xuất "sữa sạch" xuất khẩu.

Theo ông Yên, hiện Lâm Đồng đã có các nhà máy sản xuất sữa nhưng chưa phải là nhà máy sản xuất "sữa sạch". Vì vậy, tỉnh muốn liên kết với Vinamilk thành lập nhà máy theo mô hình này.

Chia sẻ ý tưởng với ông Yên, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Nhân sự - Hành chánh và Đối ngoại Vinamilk, cho rằng, hiện nay không có khái niệm "sữa sạch" vì sữa sản xuất ra đương nhiên phải sạch.

Theo bà Hương, chỉ có thể gọi là sữa hữu cơ, và hiện tại, Vinamilk đã tính đến phương án này.

"Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa hữu cơ tại Lâm Đồng nhưng điều này là không đơn giản vì phải có đất hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ... Nhưng mọi thứ đã sẵn sàng và chỉ chờ có quỹ đất là chúng tôi sẽ triển khai", bà Hương cho biết.

>>Israel đầu tư 100 triệu USD vào dự án bò sữa TH TRUE MILK

>>Không có lợi cho người nuôi bò sữa?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng "thủ phủ bò sữa" Lâm Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO