Muốn xả vẫn bí

LỮ Ý NHI| 08/09/2010 00:55

Quá trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải của DN còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là giữa DN và các cơ quan liên quan chưa có tiếng nói chung. Vì vậy, nhiều DN chọn giải pháp... né thực hiện, hoặc có đầu tư thì cũng chưa triệt để.

Muốn xả vẫn bí

Sau các vụ xả thải làm hại môi trường của một loạt công ty như Vedan, Tung Kuang, vấn đề nước thải công nghiệp bắt đầu trở thành nỗi lo ngại của nhiều doanh nghiệp (DN) khác. Yêu cầu xả thải đúng tiêu chuẩn là điều bắt buộc DN phải thực hiện, nhưng để có một hệ thống xử lý nước thải hoạt động hiệu quả thì không phải DN nào cũng có thể làm được, và không chỉ khó về tiền đầu tư, mà còn hàng trăm khó khăn khác về thủ tục. Vì vậy, đã có nhưng DN phải nhắm mắt liều vi phạm.

Quá trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải của DN còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là giữa DN và các cơ quan liên quan chưa có tiếng nói chung. Vì vậy, nhiều DN chọn giải pháp... né thực hiện, hoặc có đầu tư thì cũng chưa triệt để.

Bài 2: Dịch vụ xử lý nước thải: Trăm ống vươn vòi

Tiền tỷ cho hệ thống xả thải

Theo thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay có 3.600 vụ vi phạm vệ sinh môi trường, với số tiền phạt lên đến trên 30 tỷ đồng. Con số này gấp 270% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số vụ xả nước thải, khí thải chiếm gần 90%.

Đặc biệt, tại một số khu công nghiệp (KCN) như Tịnh Trung, Quảng Phú (Quảng Ngãi); Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) thuộc tỉnh Đồng Nai,... mặc dù có quy định các dự án đầu tư vào KCN phải có cam kết bảo vệ môi trường, nhưng cả nhà đầu tư lẫn KCN đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thậm chí, có một số DN đầu tư chỉ để đối phó hoặc xả chui như Công ty TNHH John Technology, Công ty Dệt kim Quốc tế Cosmos...

Sở dĩ các DN phải “làm liều” vì kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải khá lớn, chiếm từ 15 - 20% tổng vốn đầu tư. Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Hương, cho biết: “Thông thường, một hệ thống xử lý nước thải tùy theo mức độ nhà máy sản xuất mà kinh phí đầu tư khác nhau.

Chẳng hạn, mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải với công suất thấp nhất, khoảng 3.000m3 nước thải/ngày, tốn khoảng 2,7 triệu USD, còn trên 6.000 m3/ngày sẽ phải mất khoảng 3,07 triệu USD”. Song, thực tế, chi phí này còn cao hơn nhiều, Công ty Vinamit đã đầu tư 5 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải với công suất chỉ có 200 m3/ngày... Đối với những DN tầm trung thì chi phí này quả là một bài toán nan giải, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Với các DN đầu tư KCN, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), lý do cũng không nằm ngoài vốn đầu tư. Họ cho rằng, nếu xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện với công nghệ cao, thì lượng vốn cũng chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng vốn đầu tư hạ tầng.

Chẳng hạn, cụm CN-TTCN Hắc Dịch 1 đang đầu tư hệ thống nước thải, tính sơ bộ lên tới 5,5 tỷ đồng, KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đầu tư 30 tỷ đồng cho nhà máy xử lý nước thải... - tương đương hơn 20 - 25% tổng vốn đầu tư hạ tầng. Nếu phải đầu tư lớn như vậy, giá cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp sẽ tăng lên, ít nhất là 20%. Như vậy, tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư sẽ giảm đi khi giá thuê “đất sạch” quá cao.

Một khó khăn khác là sau phí lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sẽ phát sinh hàng loạt các loại phí vận hành khác như điện, hóa chất, nhân công, khấu hao thiết bị, khấu hao xây dựng... Thấp nhất cũng khoảng 2.000 đồng chi phí/m3 nước thải; riêng nhân công cũng mất khoảng 8 - 10 người đảm trách, chưa kể lắp đặt hệ thống đòi hỏi DN phải có thêm một quỹ đất khá lớn, trong khi hầu hết các DN đều có quỹ đất hạn hẹp nên nhiều DN phải mua thêm đất.

Có ống nhưng không đường thoát

Do cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước tại một số khu vực, tỉnh thành, KCN chưa hoàn chỉnh nên vướng mắc hiện nay của nhiều DN sau khi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải là không biết thoát nước ra đâu.

Hệ thống xử lý nước thải của công ty Vinamit

Ví dụ điển hình là KCN Bàu Xéo (Trảng Bom) và Tân Tạo (huyện Nhơn Trạch)... Một số KCN ở Long An, Lâm Đồng hoặc KCN Việt Hương 2 tuy tỷ lệ lấp đầy là 75%, nhưng thực tế mới chỉ có 16 DN hoạt động, trong số đó nhiều DN lại xin chuyển ngành sản xuất vì đến nay hệ thống thoát nước ở đây chưa có.

Ông Hàng Vay Chi, chủ đầu tư KCN Việt Hương, cho biết: “Phần cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải tại KCN Việt Hương do chúng tôi đầu tư đã hoàn chỉnh. Riêng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN là do Nhà nước đảm trách thì ba năm rồi vẫn chưa xong và hiện nay Nhà nước mới thực hiện được phân nửa, khoảng trên 15km, và dự kiến đến năm 2011 sẽ hoàn thành”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, trình bày: “Công ty Vinamit đã có hệ thống xử lý nước thải và nước do Vinamit thải ra là nước loại B, có thể tưới cây, tự thấm vào lòng đất và đủ tiêu chuẩn đấu nối vào hệ thống xả thải công nghiệp chung (có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Sở tài nguyên Môi trường Bình Dương).

Thế nhưng, do nằm trong vùng quy hoạch dân cư đông đúc, lối thoát nước duy nhất hiện nay ở khu vực này là thẩm thấu và bay hơi, hoặc phải "xả" qua hệ thống thoát nước của Công ty Becamex. Cuối cùng, Vinamit chọn phương án hai và mới đây chúng tôi bị lập biên bản xả nước thải chui vì chưa thỏa thuận với đơn vị này. Vi phạm của Vinamit xuất phát từ bài toán quy hoạch và phát triển đô thị chưa hoàn chỉnh”.

Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng cho biết: “Hiện nay, tỉnh Bình Dương vẫn còn một số khu vực chưa có hệ thống xả thải, ngay cả KCN Mai Trung đã hoàn chỉnh nhưng cũng chưa hoàn thành hệ thống xả thải. Riêng khu vực Vinamit đặt nhà máy, trước đây là một vùng trũng, chưa có dân cư nên họ được phép xả nước thải ra hồ điều hòa nội bộ.

Tuy nhiên, khi dân cư khu vực đông lên và công suất nhà máy cao hơn, công ty này không thể xả nước thải theo đường cũ, mà phải tự tính toán giải quyết. Để tháo gỡ cho DN, mới đây chúng tôi đã yêu cầu phía công ty sớm xây dựng đường thoát nước mưa và đường thoát nước thải sau xử lý theo quy định để đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của Becamex”.

Đầu tư 30 tỷ đồng cho nhà máy xử lý nước thải... tương dương hơn 20-25% tổng vốn đầu tư hạ tầng. Nếu phải đầu tư lớn như vậy, giá cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp sẽ tăng lên, ít nhất là 20%.

Chia sẻ vướng mắc khác, bà Như Lan, Phó giám đốc Công ty Trái Đất Xanh, nói: “Các thủ tục xin giấy phép xây dựng hệ thống xử lý nước thải (những hệ thống lớn) hiện không nhất quán, rõ ràng.

Thông thường, thủ tục rất nhiêu khê, như đòi hỏi nhiều giấy tờ, đánh giá hiện trạng và mỗi nơi yêu cầu một khác, thời gian cấp phép lại kéo dài tới hai, ba tháng, có địa phương tới nửa năm.

Vì vậy, nhiều DN phải nhờ đến dịch vụ với chi phí khoảng mười triệu đồng”. Song, dù có phép nhưng khi xả thải, mỗi địa phương lại làm khó DN một kiểu.

Như trường hợp Công ty giấy Nam An, dù được phép xả thải ra hệ thống thoát nước chung, nhưng phải xây đường ống đấu nối từ cơ sở ra hệ thống đến vài km, đã vậy còn bị bắt buộc xây dựng theo yêu cầu của địa phương từ cách thi công đến quy cách vật liệu... Tương tự, việc đấu nối của Vinamit với Becamex cũng phải tuân thủ các quy định như phải lót toàn bộ gạch men trên đường ống dẫn ra hệ thống xả thải dù đoạn đường này khá dài...

Gần đây, một số DN tại KCN Vĩnh Lộc, Hiệp Phước và Tây Bắc Củ Chi còn bức xúc vì không ít chủ đầu tư hạ tầng tự ý tăng mức thu phí xử lý nước thải quá cao. Trung bình, mỗi mét khối nước thải đã xử lý cục bộ đạt từ tiêu chuẩn C sang B, DN phải trả cho chủ đầu tư hạ tầng khoảng 4.000 đồng/m³, từ loại B sang loại A chi thêm khoảng trên 4.000 đồng/m³.

Điều đáng nói là tuy đã xử lý cục bộ nước thải đạt loại B giống như chất lượng nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, DN vẫn phải đóng thêm phí gần 2.000 đồng/m³. Như vậy, ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trung bình mỗi tháng DN phải chi hơn 10.000 đồng/m³ nước thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn xả vẫn bí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO