Giá heo tăng cao, doanh nghiệp FDI hưởng lợi

MINH PHƯƠNG| 18/06/2018 03:34

Ngành chăn nuôi heo tiếp tục rơi vào thế chênh lệch cung cầu khi hiện nay giá heo hơi đã tăng 48.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi cách nay một năm, cả nước phải "giải cứu thịt heo" vì giá quá thấp.

Giá heo tăng cao, doanh nghiệp FDI hưởng lợi

Vissan là đơn vị bình ổn giá thị trường cũng phải tăng giá bán thịt heo

Theo nhận định chung, ngoài nguyên nhân cung ít, cầu tăng, việc thịt heo tăng giá quá cao còn có yếu tố "làm giá" từ các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn.

Người vui, kẻ buồn

Theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), giá heo hơi tăng rất cao, gần như gấp đôi so với cách nay không lâu, trước hết là do mất cân đối cung cầu. Trước đây, cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá thấp nhưng bây giờ thì ngược lại, khiến giá bị đẩy lên.

Nguyên nhân là tổng đàn heo bị giảm, do thời gian qua, cung quá nhiều, giá bán thấp nên người nuôi giảm đàn, dẫn đến sản lượng heo suy giảm. Để tái tạo đàn, cần khoảng một năm. Như vậy, giá thịt heo còn tiếp tục tăng.

Với việc heo hơi tăng giá quá cao, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường trên địa bàn TP.HCM buộc phải điều chỉnh giá bán thịt heo đến tay người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang chia sẻ: "Giá thịt heo tăng cao nhưng nông dân đã không còn heo để bán do thua lỗ từ năm ngoái nên không tái đàn, mà chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp theo quy mô lớn mới có lãi. Giá thành chăn nuôi heo công nghiệp là 30.000 - 32.000 đồng/kg, nhưng giá bán heo hơi hiện từ 48.000 - 50.000 đồng, như vậy lợi nhuận của nhà chăn nuôi đang rất lớn".

Link bài viết

Ông Nguyễn Ngọc An cũng nhìn thẳng vào vấn đề khi cho rằng, thời gian ngắn vừa qua giá heo hơi tăng đột biến còn do yếu tố tâm lý cũng như hành động của các nhà chăn nuôi heo chiếm thị phần lớn. Những nhà chăn nuôi nào có thị phần từ 30% trở lên, về mặt lý thuyết, có thể làm giá, nên không loại trừ khả năng này.

"Người ta làm giá bằng cách nào? Họ sẽ đưa ra thị trường nguồn cung hạn chế, và khi đó giá bắt buộc phải nâng lên. Và khi những doanh nghiệp độc quyền có động thái này thì tác động ngay đến các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Những người này cũng sẽ găm hàng lại vì biết chắc ngày mai giá lên. Nhiều nhà chăn nuôi có cùng hành động ấy dẫn đến giá thịt heo vừa qua tương đối "ảo".

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi tăng cao có thể kéo dài, vì cuối năm 2017, nhiều trang trại đã bán tháo đàn heo, bán luôn heo nái với giá rẻ vì không bán thì càng lỗ, thêm nợ nần. Trong khi hiện nay giá heo giống lên quá cao, tới 700.000 - 800.000 đồng/con nên giờ giá heo hơi tăng cao cũng đành chịu, người nuôi không có sức tái đàn. Với giá thịt heo tăng cao thì hiện chỉ có doanh nghiệp FDI hưởng lợi vì họ đang làm chủ về nguồn cung heo giống hậu bị và heo giống thương phẩm.

Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dù giá heo đang lên "cơn sốt" nhưng rất khó dự đoán có duy trì được lâu dài không. Nếu giá heo tiếp tục tăng thì không loại trừ nguy cơ heo từ nước ngoài nhập vào nước ta. Nếu nông dân tăng đàn lúc này thì phải tới 4 - 5 tháng sau mới có heo để bán. Khi đó thị trường nhiều khả năng sẽ có thay đổi.

Cần cách làm mới

Các doanh nghiệp lớn dẫn dắt giá thịt heo là do có vốn lớn nên tổ chức chăn nuôi bài bản, giúp họ đứng vững trước bất kỳ tác động nào của thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, có một đặc thù trong chăn nuôi heo là không thể giữ con heo thịt để đầu cơ, vì con heo đó phải ăn hằng ngày và càng lớn thì giá trị thương phẩm càng giảm. Do đó việc ghim hàng lâu dài là không có. Nói cách khác, việc làm giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chứ không thể dài hạn.

Các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trên thị trường thịt heo chính là do cách tổ chức chăn nuôi bài bản, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp thức ăn, con giống, thiết lập trang trại, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối.
Bằng cách làm này, nếu nhìn về Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, có thể hiểu tại sao doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn về heo tại Việt Nam.

Trong ngành chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65 - 70%, nên ngay khi vào Việt Nam, CP đã đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn chăn nuôi và đánh chiếm thị phần này trước. Khi có tiềm lực mạnh, CP xây dựng các trại heo giống, đẩy mạnh nuôi heo thịt. CP còn xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp bằng hình thức mở cửa hàng để phân phối trực tiếp các sản phẩm từ heo.

Bằng cách đầu tư khép kín, chăn nuôi quy mô lớn nên CP đạt được mức giá thành sản xuất thấp, vì thế thị trường có biến động ra sao thì CP vẫn kinh doanh tốt.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, để ngành chăn nuôi heo thoát khỏi tình cảnh giá giảm phải "giải cứu", giá tăng thì nông dân không được hưởng lợi, các cơ quan quản lý nhà nước phải hoạch định lại ngành chăn nuôi với sản lượng tối ưu.

Chẳng hạn, nếu sản lượng heo vượt qua nhu cầu thì cần khống chế để cho cung cầu thị trường cân đối, tránh trường hợp như nông sản được mùa thì mất giá. Đồng thời, Cục Chăn nuôi cần nhanh chóng thành lập bộ phận thu thập và phân tích thông tin thị trường để cung cấp cập nhật cho người chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá heo tăng cao, doanh nghiệp FDI hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO