Cacao Việt Nam: Nhọc nhằn "hớt bọt"

PHAN LÊ| 21/06/2012 00:04

Chiếm số lượng đông đảo trên thị trường ca cao nội địa nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ đang hớt phần nổi trong cuộc cạnh tranh giữa ba đối thủ lớn của nước ngoài là Cargill (Mỹ), ED&F Man (Anh) và Mitsubishi Corporation (Nhật).

Cacao Việt Nam: Nhọc nhằn

Chiếm số lượng đông đảo trên thị trường ca cao nội địa nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ đang hớt phần nổi trong cuộc cạnh tranh giữa ba đối thủ lớn của nước ngoài là Cargill (Mỹ), ED&F Man (Anh) và Mitsubishi Corporation (Nhật).

Đọc E-paper

Đứng ngoài không vui


Thay vì thu mua, sơ chế, lên men và xuất khẩu trực tiếp hạt ca cao đến các nhà sản xuất sôcôla trên thế giới, thì các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu trung gian là quy hoạch vùng trồng và cung cấp hạt ca cao lên men cho các đầu mối DN ngoại như: Công ty Cargill (Mỹ), ED&F Man (Anh) hay Mitsubishi Corporation (Nhật).

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-SX Cacao Thành Đạt, đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt chứng nhận UTZ CERTIFIED (chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu), chia sẻ, mặc dù được đánh giá là sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của Mars Incorporated (công ty đứng sau các hãng sôcôla nổi tiếng như: Mars bars, M&Ms, Milky Way và Dove), nhưng Thành Đạt vẫn phải thông qua Công ty Cargill.

Ca cao Việt Nam được xuất khẩu dưới 2 dạng thô và thành phẩm. Trong đó, xuất khẩu thành phẩm thu được lợi nhuận lớn hơn. Trong khi bán ca cao sơ chế chỉ có thể lãi 15%, thì sản phẩm từ ca cao như kẹo, bột... có thể lãi đến 400%.

Vì nếu xuất khẩu riêng lẻ, Thành đạt không thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của khách hàng.

“Hiện nay, chúng tôi có tổng diện tích gần 1.200ha, sản lượng 2.200 tấn/ha và cũng chiếm gần 80% thị phần cung cấp ca cao hạt lên men cho Cargill trên toàn tỉnh Bà RịaVũng Tàu, nhưng sản phẩm đạt chứng nhận UTZ CERTIFIED thì chưa đến 50%”, ông Thành nói.

Trường hợp trên không phải là chuyện riêng của Thành Đạt, bởi hiện nay có rất nhiều DN đóng vai trò thu mua kiêm đầu tư và cung cấp lại cho các đầu mối ngoại.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng đã có kế hoạch phát triển 2.500ha ca cao từ năm 2010 đến năm 2015, trên cơ sở rà soát, chuyển đổi diện tích cà phê tái canh không hiệu quả sang trồng ca cao.

Trong đó, kế hoạch diện tích của các công ty thành viên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 2.150ha, gồm 8 vùng trọng điểm: huyện M’Đrăk, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ, CưMgar, EaKar, Krông Năng, Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, nông dân chủ yếu bán trái tươi cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc và Công ty Trọng Đức sơ chế để xuất khẩu.

Còn ở tỉnh Tiền Giang, vấn đề thu mua ca cao đã không còn là chuyện đáng ngại, vì ở hầu hết các xã trồng ca cao đều có các điểm thu mua chủ yếu của Công ty Cargill hay ED&F Man.

Ngoài ra còn có một số hộ nhận thu mua trái tươi của nông dân để phơi ủ hạt và bán lại cho các trạm thu mua của các công ty lớn. Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long, Công ty CP TM-SX Nông sản Thảo Li (TP.HCM) cũng đã xây dựng hệ thống cơ sở thu mua trái tươi, mô hình thu mua này cũng được đầu tư theo hình thức điểm thu mua nhỏ lẻ tại một số xã có vùng trồng.

Còn cửa cạnh tranh?

Trái với viễn cảnh “không người mua” hạt ca cao cách đây nhiều năm, hiện rất nhiều DN đang quy hoạch trồng lẫn thu mua ca cao trên khắp 15 tỉnh, thành thuộc vùng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. DN có vùng trồng cũng đang cố gắng phấn đấu đạt chứng nhận UTZ CERTIFIED.

Đến nay, Việt Nam đã có 11 DN đạt chứng nhận này sau gần 2 năm tiếp cận. Song, xem ra các DN cũng chỉ đang hớt phần nổi của thị trường ca cao hạt lên men tại Việt Nam, mặc dù Vinacacao cũng có kế hoạch thu mua, nhưng so với các đối thủ nước ngoài thì tỷ trọng của Vinacacao quá nhỏ.

Riêng Cargill Việt Nam thu mua đến 80% sản lượng ca cao của Việt Nam, chủ yếu để chế biến xuất khẩu. Theo ông Thành, ngoài Cargill, Thành Đạt cũng đang bắt đầu thử nghiệm quy trình lên men, đáp ứng yêu cầu của Mitsubishi Corporation, đơn vị đang có nhu cầu thu mua nông sản Việt Nam, trong đó có ca cao hạt lên men.

Trong khi đó, Vincent, người đồng sáng lập Công ty Marou Chocolate, có nhà máy sản xuất tại Thủ Đức, cũng cho biết, họ sẵn sàng trả giá cao hơn Cargill với điều kiện chất lượng hạt và người trồng tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững.

Đồng thời, chấp nhận cuộc chiến về giá với Cargill và các tập đoàn lớn thu mua ca cao hạt lên men lẫn các nhà chế biến socôla như: Grand-Place, Lâm Anh (Mỹ Tho)... tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Vượng, Giám đốc Thu mua của Công ty Cargill, tiết lộ, Cargill đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy lên men ca cao hạt trực tiếp tại Bình Phước để thuận tiện hơn trong quá trình thu mua và phân loại sản phẩm.

Với sự chuẩn bị khá công phu này, xem ra cuộc chiến thu mua ca cao hạt lên men tại thị trường Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị chắc chắn thì câu chuyện thị phần chia ba giữa các DN ngoại sẽ không còn quá xa ở tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cacao Việt Nam: Nhọc nhằn "hớt bọt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO