Chị Nhu bên cây đu đủ Nhật Bản |
Chị Nhu chia sẻ: “Lai Vung vốn có thế mạnh về du lịch và cây ăn trái, từ đó tôi quyết định đầu tư khu du lịch (KDL) sinh thái gắn với việc trồng trọt, quảng bá những loại trái cây mới lạ, độc đáo, chất lượng cao. Mình cũng mạnh dạn đầu tư một số tiểu cảnh lạ gắn với đặc trưng sông nước Nam Bộ để du khách không nhàm chán. Cạnh đó là thái độ phục vụ du khách thân thiện, nhiệt tình, chu đáo để khách sẽ quay lại với mình nhiều lần nữa”.
Trên diện tích 20 công (20.000 mét vuông), chị Nhu tiến hành trồng 200 gốc đu đủ Nhật Bản với màu sắc đẹp mắt, để vừa tạo khung cảnh đẹp cho du khách ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, vừa có thêm thu nhập. Loại cây độc lạ này mỗi năm mang lại cho chị trên 100 triệu đồng nếu bán cho thương lái; còn nếu bán cho du khách tham quan thì con số này sẽ tăng gấp đôi.
Chị Nhu kể thêm: “Là doanh nhân, mình phải tranh thủ mọi thời cơ, nắm bắt nhanh nhu cầu thương trường. Vì vậy, Tết năm 2019-2020, tôi đã thiết kế mỗi năm trên 200 chậu đu đủ Nhật Bản dạng bonsai với giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/chậu, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Nguồn thu này đã giúp tôi có lãi từ 40-50 triệu đồng mỗi dịp Tết về”.
Ngoài ra, chị Nhu đã phá bỏ vườn cây cũ vì hiệu quả không cao để thay vào đó là hàng nghìn cây mít Thái; ổi Nữ Hoàng; mận An Phước, bưởi da xanh, quýt hồng… có trái quanh năm để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, chị Nhu đã có nguồn lãi trên 1 tỷ đồng từ vườn cây ăn trái tổng hợp.
Chị Nhu chia sẻ kinh nghiệm: “Tuy là phụ nữ nhưng tôi rất mê cái nghề làm vườn chất lượng cao. Từ đó, lúc nào rảnh là tôi nghiên cứu rất nhiều tài liệu về nông nghiệp; đi tham quan cách trồng trọt lạ từ các địa phương, thậm chí còn xem nhiều tư liệu tiếng nước ngoài để rút kinh nghiệm. Thời buổi 4.0 rồi, mình phải làm nông nghiệp hiện đại, không theo kiểu truyền thống nữa bởi sẽ lạc hậu thời cuộc”.
Điều đáng nói là toàn bộ vườn cây ăn trái tổng hợp của chị Nhu đều sử dụng nguồn phân hữu cơ và phân vi sinh nên thương lái lẫn du khách thực sự an tâm khi đến đây. Bên cạnh đó, chị đã lắp đặt trên toàn bộ diện tích sản xuất của mình hệ thống tưới tự động rất hiện đại nên vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo chất lượng, tăng sản lượng đầu ra.
Dưới hàng nghìn mét vuông mặt nước, chị Nhu thả nuôi hàng chục nghìn con cá mè vinh, cá trám cỏ, cá lóc bông, cá rô đầu vuông… để các “câu thủ” tha hồ trổ tài câu cá của mình. Nguồn thủy sản này hằng năm cũng đã giúp nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nhu có từ 100-150 triệu đồng.
Làm doanh nghiệp, chị Nhu luôn nắm bắt thị hiếu của du khách mọi thành phần, mọi quốc gia, mọi vùng miền để có cách tiếp cận phù hợp nhất, trong đó khâu quan trọng là tạo được cho du khách cảm giác thân thiện với thiên nhiên, hòa mình vào cảnh quan sông nước miệt vườn. Bên cạnh đó, chị Nhu luôn tuân thủ nguyên tắc “không chặt chém dưới bất kỳ hình thức nào” và luôn tư duy sáng tạo để khách thật hài lòng về cung cách phục vụ, giá cả lẫn những món ăn “không đụng hàng” với nhiều điểm du lịch khác trên quê hương Đồng Tháp.
Hiện tại, mỗi ngày KDL Bá Chuốt (tên người bạn đời của chị Nhu) tọa lạc tại ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung đón từ 300-400 du khách mỗi ngày, riêng các ngày nghỉ, lễ, Tết con số này tăng lên rất nhiều. Mỗi năm, từ các khoản thu chủ yếu như khách du lịch, cây ăn trái, thủy sản, bán hàng lưu niệm… sau khi trừ hết các khoản chi phí, chị Nhu có lãi từ 1-1,5 tỷ đồng.
Ông Lương Huynh, du khách đến từ Hà Nội vui vẻ nhận xét: “KDL này rộng, đẹp, nhiều tiểu cảnh gần gũi, nên thơ. Tại đây cũng có nhiều loại trái cây rất đặc biệt. Ngưỡng mộ nhất là chủ KDL tuy là nữ nhưng rất am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao và làm du lịch rất chuyên nghiệp. Tôi sẽ còn quay lại đây nhiều lần nữa”.
Chúng tôi rất thấm thía lời tự sự của doanh nhân Nguyễn Thị Nhu: “Phải biết lấy du lịch để phát triển vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản; ngược lại, cũng phải biết lấy vườn cây ăn trái, thủy sản để phát triển du lịch. Vậy mới thành công bền vững, căn cơ”.