Thúc đẩy tín dụng, cú hích lãi suất còn nhẹ

15/07/2013 06:41

Cuối tuần qua, căng thẳng trên thị trường ngoại hối đã lắng dịu, sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp dùng mọi biện pháp để ổn định tỷ giá. Song câu chuyện khó khơi thông tín dụng – tiền đang dồn ứ trong hệ thống ngân hàng và là một trong những nguyên nhân gây nên cơn biến động giá ngoại tệ vừa qua – vẫn là một bài toán khó.

Thúc đẩy tín dụng, cú hích lãi suất còn nhẹ

Cuối tuần qua, căng thẳng trên thị trường ngoại hối đã lắng dịu, sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp dùng mọi biện pháp để ổn định tỷ giá. Song câu chuyện khó khơi thông tín dụng – tiền đang dồn ứ trong hệ thống ngân hàng và là một trong những nguyên nhân gây nên cơn biến động giá ngoại tệ vừa qua – vẫn là một bài toán khó.

Nhiều ngân hàng nhảy vào tài trợ tín dụng tiêu dùng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cuối tuần qua, một khách hàng của ngân hàng BIDV Đông Đô nhận được thông báo khoản vay tiêu dùng của chị được giảm lãi suất còn 13%/năm, áp dụng từ 1/3/2013. Theo hợp đồng vay vốn được thực hiện vào giữa năm ngoái, lãi suất khoản vay này của chị là 17%/năm, nhưng đã được giảm dần và đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ ba của ngân hàng.

Việc giảm lãi suất cho vay tiêu dùng nằm trong kế hoạch giảm lãi suất cho vay vốn chung của ngân hàng này. Nhân viên bộ phận tín dụng doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay vốn một số khách hàng trong diện ưu đãi của ngân hàng chỉ còn 9%/năm, thậm chí một số trường hợp còn được hưởng mức lãi suất thấp hơn. “Giảm lãi suất, chào mời tận nơi tận chốn, hồ sơ đơn giản, nhanh gọn… ấy vậy mà khách vay vốn vẫn chẳng mặn mà, nhất là nhóm khách hàng doanh nghiệp”, nhân viên tín dụng này nói.

Đây cũng là tình trạng chung của hệ thống ngân hàng suốt từ đầu năm 2013 đến nay, và chưa có dấu hiệu chuyển biến rõ nét, dù đã bước sang quý 3 của năm. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng ông là gì hiện nay”, tổng giám đốc một ngân hàng lớn chia sẻ ngắn gọn: “Là cho vay ra được và thu hồi về được”!

Quả thật, theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, tính đến đầu tháng 6/2013, chênh lệch giữa lượng tiền huy động tăng thêm với lượng tín dụng tăng thêm của hệ thống ngân hàng lên tới 130.000 tỉ đồng. Không cho vay ra được, trong khi vẫn phải trả tiền lãi cho khoản vốn huy động dư thừa này, làm thế nào để cân đối doanh thu, lợi nhuận là bài toán đau đầu cho lãnh đạo các ngân hàng, và việc chuyển qua nắm giữ USD là một trong những động thái được nhiều ngân hàng lựa chọn vừa qua. Thị trường ngoại hối nóng lên, NHNN đã phải phát đi cam kết giữ ổn định thị trường, bao gồm cả việc làm việc với lãnh đạo 14 ngân hàng hàng đầu cùng thực hiện trách nhiệm này.

Áp lực trên thị trường ngoại hối nhanh chóng giảm xuống, nhưng mối lo đầu ra tín dụng vẫn còn đó, nhất là khi các ngân hàng thương mại ít nhiều nỗ lực trong giảm giá đồng vốn. Mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh, liên tục trong một thời gian ngắn và được kỳ vọng đà giảm còn tiếp tục. Ngân hàng Vietcombank và Agribank mới đây đã thiết lập mức “đáy” lãi suất huy động mới cho thị trường là 5%/năm. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục làn sóng hạ lãi suất huy động – như một tiền đề để tiếp tục hạ lãi suất cho vay – dù mức giảm sẽ không quá lớn.

Chỉ riêng lãi suất chưa thể làm “tan băng” thị trường tín dụng, dù theo chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, đây cũng là một cú hích quan trọng. Muốn để cú hích đó thêm mạnh mẽ, một trong những việc các ngân hàng phải làm, là mở rộng kênh bán hàng, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, tăng nguồn thu từ những khu vực đó, giảm bớt sức ép về doanh thu, lợi nhuận từ khu vực tín dụng. Có như vậy, lãi suất mới có cơ hội giảm thêm, đủ sức hấp dẫn người vay, khắc phục tình trạng ngân hàng thừa tiền và đổ sang mua USD như đã diễn ra vừa qua.

Lực cầu về vàng giảm, tỷ giá hạ nhiệt

Mãi lực vàng sau ngày 30.6 của ngân hàng sụt giảm như nhận định đưa ra trước đây. Có 1.300 lượng vàng miếng bị “ế” trong phiên đấu thầu ngày 12.7. Giá trúng thầu cao nhất cũng chỉ xoay quanh giá sàn ngân hàng Nhà nước đưa ra 37,35 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC giao dịch trong ngày cuối tuần cũng chỉ còn 37,3 – 37,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Nhu cầu vàng của người dân có phần sụt giảm trước diễn biến thất thường của thị trường vàng trong những ngày qua. Giám đốc kinh doanh vàng miếng của PNJ, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, doanh số bán ra của công ty trong tuần này chỉ bằng phân nửa so với thời điểm vàng xuống giá 37 – 39 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 7/2013. Mãi lực vàng của người dân chậm lại theo ông Trọng là do vàng có dấu hiệu tăng trở lại trong ngày giữa tuần, nhưng nhiều nhận định đưa ra là vàng khó có thể vượt qua ngưỡng 1.350 USD/ounce nên tâm lý của nhiều người vẫn chờ cơ hội vàng giảm trở lại để mua vào.

Cùng với thị trường vàng đang dịu lại, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm nhiệt sau thông điệp cứng rắn của ngân hàng Nhà nước rằng có đủ khả năng can thiệp thị trường, việc tỷ giá biến động thời gian qua chỉ là do tâm lý cộng với hoạt động của một số nhóm đầu cơ.

Sáng 14/7, trên thị trường chợ đen, giá USD chỉ còn 21.500 – 21.550 đồng/USD, giảm mạnh so với đỉnh cao 21.800 – 21.900 đồng/USD của những ngày đầu tuần trước. Tỷ giá tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm nhẹ, chỉ còn 21.200 – 21.246 đồng/USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thúc đẩy tín dụng, cú hích lãi suất còn nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO