Chốt năm ở mức 1.498,28 điểm, chỉ số VN-Index đã tăng 394 điểm (+36%) trong năm qua, giữ mạch tăng trưởng 3 năm liền. Đồng thời, 2021 cũng là năm có mức tăng cao thứ nhì trong 10 năm qua, chỉ xếp sau 2017 (+48%). Nhờ đó, chứng khoán Việt chính thức vào nhóm 7 thị trường có hiệu suất tăng bậc nhất năm qua, theo dữ liệu từ StockQ.
Các thị trường dẫn đầu lần lượt là Abu Dhabi, Argentina, Iceland, Áo và Cộng hòa Czech. Tại châu Á, thị trường chứng khoán Việt xếp cao nhất về mức sinh lời (+36%), theo sau là Đài Loan (+29%), Ấn Độ (+23%)... Mức tăng ở các thị trường đã phát triển có phần khiêm tốn hơn, như Hàn Quốc (+3,6%), Nhật Bản (+4,9%), Singapore (+9%)... Trong khi đó, chỉ số ở các thị trường như Hồng Kông, Malaysia, Philippines lại rơi xuống mức âm.
Trong 10 năm qua, VN-Index rơi xuống mức thấp nhất vào năm 2011 (-27,5%), cao nhất năm 2017 (+48,2%) và cao nhì ở năm 2021 (+35,7%)
Theo ông Kang Moon Kyung - Tổng giám đốc Mirae Asset Việt Nam, chỉ sau 3 năm mà thị trường chứng khoán Việt đã phát triển nhanh chóng. "Tôi cũng rất bất ngờ về sự phát triển năng động này", ông Kang nói.
Link bài viết
Vị tổng giám đốc cho rằng, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thấp, thời gian qua thị trường nhận được lực đẩy rất lớn đến từ dòng tiền lớn mạnh của nhà đầu tư trong nước.
Về năm nay, ông Kang đặt nhiều kỳ vọng, khi khả năng kiểm soát dịch Covid-19 tăng cao vì tỉ lệ tiêm chủng dần tăng lên, kèm theo các chính sách về tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế. Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, đi cùng hệ thống giao dịch hiện đại hơn, ở kịch bản cơ sở, công ty của ông Kang kỳ vọng VN-Index đạt khoảng 1.700 điểm trong năm 2022.
Còn theo Giám đốc nghiên cứu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith, ngoài động lực từ khả năng phục hồi kinh tế, chứng khoán Việt còn nhận được thu hút lớn bởi nhóm nhà đầu tư trẻ và năng động. Chưa kể nhiều nhà đầu tư, gồm nhà đầu tư trẻ có khẩu vị rủi ro cao, sẵn sàng mua cổ phiếu với kỳ vọng lợi nhuận cao, thay vì gửi ngân hàng.
Chuyên gia này nói Yuanta dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) mang tính dự phóng ở thị trường Việt Nam vào khoảng 21% cho 2022 và 20% cho 2023. Ông cũng cho biết Yuanta dự báo năm 2022 VN-Index có thể cán mốc 1.898 điểm, tăng 26% so với đỉnh của năm 2021.
Trong khi đó, bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDriect đặt "hy vọng mới, tầm cao mới" vào thị trường trong năm 2022, dự báo VN-Index đạt 1.700-1.750 điểm. Đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Dù vậy, VNDriect cũng cho rằng rủi ro chính đối với thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai.