* Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, theo ông sự kiện này sẽ mang lại ý nghĩa thế nào?
- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.
Chủ trương này mang lại cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhu cầu về khẩu trang y tế cũng có thể giảm xuống sau khi dịch bệnh qua đi. Trong khi đó, sản xuất khẩu trang y tế đòi hỏi đầu tư dây chuyền riêng biệt, không phải tận dụng cơ sở vật chất có sẵn như sản xuất khẩu trang vải. Mặt khác, mặt hàng này chịu sự quản lý chuyên ngành của ngành Y tế. Do vậy, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư sản xuất mặt hàng này cần tìm hiểu kỹ các quy định của Bộ Y tế để đảm bảo tuân thủ.
* Theo ông, làm sao để tránh việc doanh nghiệp bỏ ngỏ thị trường nội để chạy theo xuất khẩu?
- Theo tôi, việc cho phép xuất khẩu cần gắn với quy định trách nhiệm đảm bảo cung cấp tại thị trường nội địa. Trong trường hợp nhu cầu tăng cao, cơ quan quản lý là Bộ Y tế có quyền hạn chế hoặc dừng cấp phép xuất khẩu. Quy định mới cũng cần đưa ra chế tài để xử lý các doanh nghiệp không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm cung ứng cho thị trường nội địa.
* Đại dịch Covid-19 cũng khiến việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn trở thành hướng đi mới cho các doanh nghiệp dệt may, theo ông việc này có dễ dẫn đến hệ luỵ một ngày nào đó chúng ta lại phải đi "giải cứu" các doanh nghiệp này?
- Dệt may là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, hiện đang đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau nhóm hàng điện thoại. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam sản xuất khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc sản phẩm mà thị trường thế giới yêu cầu.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép". Trong tháng 2/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc.
Sang đến tháng 3/2020, khi nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ, khiến cho thị trường mua sắm gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng. Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.
Nhìn chung, khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều; về cơ bản, nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. Vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay chưa thể coi đây là một ngành sản xuất chủ lực vì tính thời vụ của mặt hàng này. Dự kiến sau khi dịch qua đi thì nhu cầu đối với mặt hàng này sẽ giảm xuống.
Do vậy doanh nghiệp cần tính toán kỹ khi chuyển sang sản xuất mặt hàng này. Tính toán kỹ ở đây là khảo sát thị trường và hành vi tiêu dùng của người dân tại các thị trường mà doanh nghiệp nhắm tới. Nếu không tính toán kỹ mà cứ lao vào sản xuất mặt hàng này, thì khi dịch đi qua việc phải "giải cứu" là hoàn toàn có thể diễn ra.
* Ông đánh giá thế nào về việc đáp ứng chất lượng khẩu trang hiện nay của các doanh nghiệp Việt?
- Khẩu trang là một sản phẩm đơn giản, nhưng không có nghĩa là đòi hỏi chất lượng thấp. Mà ngược lại, đây là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đường thở nên đòi hỏi chất lượng phải cao hơn cả sản phẩm dệt may thông thường vốn chỉ tiếp xúc với bề mặt da.
Các doanh nghiệp cần đặt chất lượng lên vị trí hàng đầu, quan tâm đảm bảo chất lượng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, tổ chức sản xuất, và làm thử nghiệm, xin giấy chứng nhận ở các tổ chức đánh giá có uy tín để đảm bảo khẩu trang được người dùng trong và ngoài nước chấp nhận. Thực tế cho thấy hiện nay nếu không có các chứng nhận của EU, Hoa Kỳ như CE, FDA thì doanh nghiệp cũng rất khó xuất khẩu được mặt hàng khẩu trang.
Vì vậy, các doanh nghiệp phải tránh tư tưởng coi đây là mặt hàng dễ làm, chạy theo mở rộng sản xuất mà không quan tâm đến chất lượng. Bài học các doanh nghiệp Trung Quốc bị trả lại sản phẩm là bài học mà doanh nghiệp của chúng ta phải thấy rõ.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này. Mỗi quốc gia đều có quy chuẩn chất lượng khác nhau. Để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này, ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE - để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.
Do đó, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được, gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được.
* Trân trọng cảm ơn ông!