Hòa Bình quyết giữ mục tiêu lợi nhuận năm 2023, đạt 125 tỷ đồng

Ngọc Lý| 27/06/2023 09:37

Trước khi diễn ra đại hội đồng cổ đông theo quy định, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chia sẻ thông điệp với cổ đông. Theo đó, Hòa Bình vẫn quyết tâm giữ mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2023 với doanh thu là 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 125 tỷ đồng.

Hòa Bình quyết giữ mục tiêu lợi nhuận năm 2023, đạt 125 tỷ đồng

HĐQT mới của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải, đây là mục tiêu đầy thử thách nhưng bằng nhiều sáng kiến và những nỗ lực vượt bậc, Hòa Bình đánh giá đó không phải là mục tiêu bất khả thi.

Người chèo lái con thuyền Hòa Bình Lê Viết Hải đã nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin, lòng mong mỏi của cổ đông. Ông cũng nhận trách nhiệm khi đã để xảy ra một số sự việc đáng tiếc trong thời gian vừa qua ảnh hưởng đến thương hiệu Hòa Bình.

Tuy vậy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định, ông không hổ hẹn vì đã đem hết nỗ lực và làm tất cả những gì có thể giúp công ty vượt qua mọi khó khăn. “Những quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù lắm khi phải hy sinh quyền lợi của riêng mình”, ông Lê Viết Hải nói.

-4980-1687869426.jpg

Ông Lê Viết Hải chia sẻ thông điệp với cổ đông

Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên kết quả kinh doanh của Hòa Bình có lợi nhuận âm và âm tới 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến 2.059 tỷ đồng.

Theo ông Lê Viết Hải, khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (đến ngày 23/6/2023) đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với trị giá 650 tỷ đồng và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.

Tại đại hội, ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng chia sẻ cơ sở để tái cấu trúc tập đoàn này dựa trên các giá trị cốt lõi như văn hóa doanh nghiệp; uy tín thương hiệu; tâm - tầm - tài - đức của lãnh đạo Hòa Bình; niềm tin của khách hàng - đối tác dành cho Hòa Bình; tinh thần đoàn kết ý chí; lòng dũng cảm vượt qua mọi nghịch cảnh của con người Hòa Bình.

Căn cứ vào các nền tảng đó, Hòa Bình sẽ tái cấu trúc với các lĩnh vực cụ thể gồm tài chính, sản phẩm và thị trường, hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, các công ty thành viên và công ty liên kết.

Đặc biệt, chia sẻ về việc tái cấu trúc tài chính, ông Lê Văn Nam tiết lộ hiện có cổ đông Úc sẵn sàng mua cổ phiếu Hòa Bình với mức đầu tư từ 60-100 triệu USD. Đại diện Hòa Bình cũng cho biết, trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ lựa chọn chất lượng doanh thu chứ không chạy theo doanh thu. Chọn chủ đầu tư uy tín, có tính thanh khoản tốt. Hòa Bình cũng tập trung chuyển hướng sang mảng xây dựng công nghiệp, do đây là mảng mang lại dòng tiền tốt, khả năng xoay dòng vốn nhanh. Cùng với đó, Hòa Bình sẽ phát triển thị trường nước ngoài và tập trung cho các dự án nhà ở xã hội.

-4976-1687869426.jpg

Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov tham dự đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tái cấu trúc các phòng, ban. Theo đó, số lượng phòng - ban của Hòa Bình tại các miền sẽ điều chỉnh giảm từ 30 xuống 18 phòng, ban. Đồng thời, để nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất lao động, tạo môi trường tốt, thương hiệu tốt để thu hút nhân tài là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, Hòa Bình sẽ thường xuyên tuyển dụng và thường xuyên sàng lọc, đánh giá định kỳ.

Giải đáp ý kiến của cổ đông về lý do lỗ lên tới hơn 2.572 tỷ đồng năm 2022, ông Lê Viết Hiếu đã giải thích lỗ do ảnh hưởng của vật liệu giá cả, một số dự án dừng thi công vẫn phải thuê máy móc thiết bị, lương nhân sự. Hòa Bình không thể tiết giảm nhanh chóng như chủ đầu tư được, do phải giữ nhân sự để làm hồ sơ thanh toán, bảo vệ vật tư, vật liệu...

Lý do tiếp theo, ông Hiếu giải thích do chính sách lãi suất vay tăng, dẫn đến chi phí lãi vay cao. Cùng với đó là chi phí đòn bảy tài chính cao, khi gặp khó khăn thì sẽ càng khó khăn. Đây cũng là một trong vấn đề Hòa Bình nhận thấy là yếu kém nên định hướng tương lai sẽ giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và nợ trên tỷ lệ doanh thu để có tài chính bền vững. Chia sẻ về trích lập dự phòng, ông Hiếu cho biết, dòng sản phẩm của Hòa Bình đang gặp khó khăn, do thanh khoản của bất động sản đang gặp khó. Đó cũng là lý do Hòa Bình phải tái cấu trúc.

-3842-1687869426.jpg

Các nhà thầu lớn chúc mừng ông Lê Viết Hải

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình đã giải đáp thắc mắc của cổ đông về thông điệp chia sẻ trước đó về nguyên tắc đặt lợi ích của cổ đông, ông Hải đã chia sẻ cụ thể về việc cho Hòa Bình mượn bất động sản là tài sản cá nhân từ suốt hơn 20 năm (từ năm 1993) cho Hòa Bình làm trụ sở, nhà xưởng của công ty con mà không thu bất kỳ một đồng tiền thuê nào. Và khi cấn trừ khoản tạm ứng đã sử dụng để lo công việc cho tập đoàn bằng bất bất động sản này, giá cũng được tính toán thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường. Ông cũng chấp nhận rủi ro khi sử dụng cổ phiếu cá nhân làm tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu cho tập đoàn, thay vì đồng ý bán cho đối tác trước đó để thu về với mức giá gấp 3 lần so với thị giá hiện nay.

Giải đáp câu hỏi của cổ đông về kịch bản xấu nhất khi nền kinh tế không tăng trưởng như dự báo thì Hòa Bình sẽ phát triển thế nào, ông Lê Văn Nam cho rằng, ông đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất, doanh thu của năm 2023 dự kiến 9.500 tỷ đồng và có lợi nhuận.

Khi được hỏi về hiệu quả hoạt động ở góc độ thành viên quản trị, ông Nguyễn Tường Bảo - thành viên HĐQT độc lập cho rằng, HĐQT đã làm việc chăm chỉ công tâm, minh bạch và chủ tịch HĐQT đã sử dụng nhiều tài sản cá nhân để hỗ trợ công ty. Ông Bảo cũng nhấn mạnh kế hoạch tái cấu trúc của Hòa Bình phù hợp nên bây giờ là thời điểm để tập trung vào nó.

Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm các thành viên trong nhóm đối lập gây ra sóng gió của Hòa Bình thời gian qua, do các cá nhân này đã có đơn từ nhiệm gồm các ông Nguyễn Công Phú, Albert Antoine, David Martin Ruiz, Lê Quốc Duy, Dương Công Hùng. Trong đó, ông Dương Văn Hùng có đơn từ nhiệm vào ngày 26/6/2023, chỉ trước một ngày diễn ra đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Các thành viên HĐQT được đề cử bầu bổ sung đã thông qua tại đại hội đồng cổ đông gồm ông Lê Văn Nam, bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa (thành viên HĐQT độc lập). Như vậy, HĐQT mới của Hòa Bình nhiệm kỳ 2022-2024 sẽ gồm ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT; ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT; ông Lê Văn Nam và ông Nguyễn Tường Bảo cùng bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa là thành viên HĐQT độc lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hòa Bình quyết giữ mục tiêu lợi nhuận năm 2023, đạt 125 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO