Hòa Bình: Thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững

Lan Ngọc| 11/03/2023 06:00

Tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực nhằm thu hút đầu tư để khai thác các tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn theo xu hướng phát triển bền vững.

Hòa Bình: Thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững

Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, có những lợi thế đặc trưng về địa lý, khí hậu, có thể phát triển lĩnh vực nông nghiệp an toàn, hiệu quả, nhất là các loại nông sản có thế mạnh như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá và tôm sông Đà... 

Bên cạnh đó, Hòa Bình còn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, đặc biệt khu du lịch hồ Hòa Bình đã được quy hoạch phát triển là khu du lịch quốc gia. Tỉnh Hòa Bình đang phấn đấu xây dựng địa phương với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình khẳng định, tỉnh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án trên địa bàn và phát triển bền vững.

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, tỉnh Hòa Bình còn có những chính sách ưu đãi đầu tư riêng như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm thuế xuất nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong năm 2022 vừa qua, tỉnh Hòa Bình vẫn thu hút được 75 dự án đầu tư (tăng 31 dự án so với năm 2021) với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng. Tính chung đến cuối năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã có 729 dự án đầu tư đã và đang hoạt động, trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 608 triệu USD, 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 183.000 tỷ đồng. Nhờ đầu tư hiệu quả, kinh tế của Hòa Bình năm 2022 tăng trưởng 9,03%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Trong năm 2023, tính đến nay, tỉnh Hòa Bình là địa phương đầu tiên trên cả nước đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn, qua đó đã lựa chọn và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 nhà đầu tư thực hiện 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Đây là lượng vốn đầu tư được bổ sung khá lớn đối với tỉnh Hòa Bình, kỳ vọng không chỉ góp phần tích cực giúp cho kinh tế Hòa Bình phát triển mạnh mẽ hơn mà còn có sức lan tỏa trong khu vực Tây Bắc. 

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha. Tỉnh Hòa Bình đang đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng Khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung thêm ba khu công nghiệp với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha.

Trong quy hoạch, tỉnh Hòa Bình phải chỉ ra được đâu là những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và các cơ hội đầu tư nổi trội. Hòa Bình phải đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược (hạ tầng, nhân lực, thể chế), nhất là đột phá về hạ tầng chung và hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm chi phí tuân thủ…

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hòa Bình năm 2023 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và gợi mở tỉnh Hòa Bình, để tạo môi trường hấp dẫn nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, tỉnh cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón các nhà đầu tư, nhất là đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng thông tin và nguồn nhân lực gắn với hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác quy hoạch, tỉnh Hòa Bình cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải chỉ ra được đâu là những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và các cơ hội đầu tư nổi trội. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược (hạ tầng, nhân lực, thể chế), nhất là đột phá về hạ tầng chung và hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm chi phí tuân thủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà đầu tư... Tỉnh cần định hướng thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững, phù hợp với lợi thế, tập trung vào những ngành có tiềm năng phát triển như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh dựa trên khoa học, công nghệ, sáng tạo. 

Một số nhà đầu tư tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hòa Bình năm 2023 cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, chính quyền tỉnh, cơ quan có liên quan cần nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư, dự báo chính sách mới, quy định mới có tác động đến đầu tư để kịp thời đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hòa Bình: Thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO