Khai thác dầu khí ngoài khơi |
Bộ Công Thương cho biết, do biến động giá dầu thô kéo theo những biến động bất lợi về giá khí, về sản phẩm từ dầu khí và chuỗi cung ứng dầu khí, do chuyển đổi năng lượng theo xu hướng xanh hóa khiến nhu cầu sử dụng dầu khí và các sản phẩm từ dầu khí bị ảnh hưởng. Trước bối cảnh ấy, các doanh nghiệp ngành dầu khí cần phải tái cơ cấu để thích ứng, định hướng chiến lược mới để phát triển.
Tại cuộc làm việc của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Trần Tuấn Anh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) mới đây, liên quan đến xây dựng đề án đánh giá thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (sau 8 năm thực hiện), để trình Bộ Chính trị trong quý II/2023, Chủ tịch HĐTV PetroVietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, PetroVietnam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới phát triển bền vững trong dài hạn.
Trong đó có những thách thức về phạm vi, địa bàn hoạt động; vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật; thách thức từ chuyển dịch năng lượng và thị trường... Những khó khăn, thách thức cần được rà soát, đánh giá một cách toàn diện để đề xuất với Đảng và Nhà nước điều chỉnh chiến lược phát triển đối với PetroVietnam phù hợp hơn trong bối cảnh, tình hình mới.
Để có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, phải làm rõ được kết quả sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW như thế nào, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là liên quan đến chủ trương, chính sách lớn cần tháo gỡ cho ngành dầu khí.
Trước mắt, theo Bộ Công Thương, ngành dầu khí cần thực hiện tốt Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, trong đó mục tiêu phát triển ngành dầu khí đã được xác định, đó là đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi dầu, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên; có chiến lược chủ động và hiệu quả trong hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài; phát triển công nghiệp khí; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng; tiếp tục thu hút đầu tư lọc - hóa dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Đối với dầu khí đá phiến, khí hydrate, tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về địa chất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để mở rộng phạm vi khảo sát; sớm triển khai đánh giá tổng thể, đẩy nhanh khai thác thử nghiệm khi điều kiện cho phép.
Trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành dầu khí cần tập trung nâng cao hiệu quả khai thác tại các mỏ dầu và khí, nâng cao hiệu quả thu hồi dầu tại các mỏ, khai thác một cách hợp lý để sử dụng tài nguyên dầu khí hiệu quả, lâu dài.
Phát triển công nghiệp khí đồng bộ ở tất cả các khâu, phát triển thị trường khí, phát triển mỏ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, cung cấp, nhập khẩu khí.
Thúc đẩy chế biến khí đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy lọc dầu hiện hữu. Cần phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.