Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong phiên thảo luận về "Trạng thái của EU" tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 14/9. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp vào ngày 15/9/2022, bà Leyen cho biết các lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục đoàn kết với Ukraine để "chiến thắng Nga".
"Đây là lúc chúng ta phải thể hiện quyết tâm, không phải nhân nhượng", Chủ tịch EC nói, khẳng định tinh thần đoàn kết của EU với Ukraine là "không thể lay chuyển" và phải được duy trì như vậy.
"Chưa bao giờ Nghị viện này lại phải tranh luận về tình hình liên minh của chúng ta trong khi chiến tranh hoành hành trên đất châu Âu", bà Leyen phát biểu trước các Nghị sĩ, với đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska ở vị trí khách mời danh dự.
Nhiều trong số các nhà lập pháp có mặt tại sự kiện lẫn bà Leyen đều mặc áo màu xanh và vàng - màu sắc chủ đạo trên quốc kỳ của Ukraine. Bà Zelenska cũng nhận được tràng pháo tay chào đón từ các Nghị sĩ. "Tôi đứng đây với niềm tin rằng Nga sẽ thua và châu Âu sẽ thắng", Chủ tịch EC nói, đồng thời thông báo sẽ tới Kiev hôm nay và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận cụ thể về các khoản hỗ trợ từ châu Âu cho Kiev.
Để hỗ trợ Ukraine, bà Leyen cho biết EU sẽ mở cửa thị trường duy nhất cho hàng hóa Ukraine và ngoài hàng tỷ Euro viện trợ đã được trao cho Kiev, bà cam kết thêm 100 triệu Euro nữa để xây dựng lại các trường học bị phá hủy bởi trận pháo kích hạng nặng của pháo binh Nga.
Về các lệnh trừng phạt áp trên Nga, nữ Chủ tịch cho biết chúng sẽ không kết thúc trong tương lai gần.
Theo bà Leyen, lĩnh vực tài chính của Nga đang "nguy kịch", trong khi các ngành công nghiệp và quân sự nước này bị tê liệt bởi sự di cư của các công ty quốc tế để đối phó với chiến tranh.
Nữ Chủ tịch EC cho biết gần 1.000 công ty đa quốc gia đã rời Nga. Quân đội nước này cũng được cho là đang thiếu chip chế tạo vũ khí do lệnh hạn chế công nghệ của phương Tây.
"Quân đội Nga đang lấy chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa các thiết bị quân sự của họ, vì hết chất bán dẫn", bà Leyen nói.
Từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, phương Tây và EU đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt để đáp trả, như loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tịch thu các du thuyền của giới tài phiệt, đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, dừng nhập khẩu các hàng hóa từ Nga.
Một số nước châu Âu cho rằng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhắm vào Nga đang gây thiệt hại nhiều hơn cho chính họ, với giá năng lượng tăng vọt sau khi Moskva giảm nguồn cung khí đốt tới khu vực.
Điện Kremlin cáo buộc các nước phương Tây đang tìm mọi cách để đối phó Nga, nhưng họ không còn biện pháp gây áp lực nào với Moskva. Theo Mikhail Ulyanov - đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, phương Tây đã áp đặt khoảng 11.000 lệnh trừng phạt với Moskva nhưng "lần đầu tiên trong lịch sử, họ phải đối mặt với hậu quả từ chính lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên quốc gia khác".