Góc nhìn

Cho đi khi còn sống

Nguyễn Văn Mỹ (*) 25/11/2023 10:06

Charles Francis "Chuck" Feeney, người Mỹ gốc Ireland, một nhân cách vĩ đại, một doanh nhân bình dị với cuộc sống tối giản. Ông cũng là hình mẫu “Doanh nhân - Từ thiện”, đã cho đi toàn bộ tài sản trước khi hết thời gian cuộc đời.

Ngày 9/10/2023 tỷ phú Chuck Feeney (sinh năm 1931) đã ra đi thanh thản với lời nhắn gửi: “Tôi hạnh phúc vì đã cho đi toàn bộ tài sản trước khi hết thời gian cuộc đời. Đã học được nhiều điều và cảm thấy hài lòng khi hoàn thành được tâm nguyện. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia vào hành trình của tôi. Với những ai đang băn khoăn về việc ‘cho đi khi còn sống’, hãy thử nó và bạn sẽ thích.”

19859-329.jpg
Tỷ phú từ thiện Chuck Feeney - Ảnh: Limerick

Charles Francis "Chuck" Feeney, người Mỹ gốc Ireland, một nhân cách vĩ đại, một doanh nhân bình dị với cuộc sống tối giản, là hình mẫu “Doanh nhân – Từ thiện” và là động lực để nhiều người cố gắng noi theo. Ông sống trong ngôi nhà nhỏ, thuê ở San Francisco; thường dùng túi nhựa mang tài liệu; ăn bụi với món bình dân bánh mì kẹp thịt; đeo đồng hồ Casio F-91W 15 USD; đi xe buýt và hàng không giá rẻ; không có ô tô hay tài sản giá trị nào khác, dù sở hữu hàng tỉ USD.

Ông đồng sáng lập “Duty Free Shoppers Group” (DFS, 1960), khai lối khái niệm mua sắm miễn thuế; sáng lập tổ chức “The Atlantic Philanthropies” (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương, TAP, 1982). Feeney luôn dấu kín tài sản của mình. Năm 1997, khi có tranh chấp kinh doanh, tên tuổi và tài sản của ông mới được tiết lộ.

Feeney đã dùng hơn 8 tỉ USD để làm từ thiện khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền đến nghiên cứu khoa học. Có lẽ ông là tỉ phú giản dị nhất thế giới. Ở nhà thuê nhỏ, không ô tô, luôn bay hàng không giá rẻ. Mọi thứ đều tiết kiệm để dành cho từ thiện.

Khái niệm "mua hàng miễn thuế" với khách du lịch rồi miễn phí thuế nhập khẩu, bắt đầu khi Feeney và Robert Warren Miller, bạn học cùng lớp đại học, bắt đầu bán rượu miễn thuế cho lính Mỹ ở châu Á vào những năm 1950. Sau đó, bán thêm ô tô, thuốc lá và nhiều mặt hàng khác.

DFS bắt đầu tại Hong Kong, mở rộng sang các lục địa khác và trở thành nhà bán lẻ du lịch lớn nhất thế giới. Năm 1984, ông bí mật chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần của mình trị giá khoảng 500 triệu USD vào TAP. Các đối tác kinh doanh không biết rằng, ông không còn sở hữu bất cứ cổ phần nào của DFS.

Trong nhiều năm, TAP bí mật làm từ thiện, yêu cầu người nhận không tiết lộ nguồn tài trợ. Feeney góp phần vào nỗ lực hòa bình và tài trợ 1 tỷ USD cho giáo dục Ireland, chủ yếu vào Trung học phổ thông và đại học Limerick. 1 tỉ USD được Feeney tài trợ đại học Cornell, trường cũ của ông và góp 350 triệu USD lập công ty Cornell Tech.

TAP đề xuất cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ Hoa Kỳ, giúp làm nền tảng cho Luật “Chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng” (Obamacare) và vận động chấm dứt hình phạt tử hình với trẻ vị thành niên.

Tháng 2 năm 2011, Feeney tham gia hoạt động “The Giving Pledge” (Lời cam kết hiến tặng) do Bill Gates và Warren Buffet khởi xướng. Feeney viết: “Tôi không thể nghĩ đến việc sử dụng tài sản cá nhân cho ích lợi riêng. Xứng đáng hơn là để hiến tặng, ngay khi còn đang sống - để cá nhân cố gắng hết mình cống hiến cho những nỗ lực có ý nghĩa, để cải thiện điều kiện sống của con người.”

Ông đã giải phóng túi tiền của mình, đáp ứng được khát vọng "Cho đi khi còn sống" . Feeney, dí dỏm: “Bạn luôn lo lắng khi phải xử lý rất nhiều tiền, nhưng chúng dường như tự làm việc đó khá tốt. Bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần một lúc. Có lẽ đó là ý muốn của Chúa. Người nghèo luôn ở cùng chúng ta. Bạn biết đấy, bạn sẽ không bao giờ chạy thoát khỏi mọi người, nhưng bạn có thể giúp đỡ họ.”

Feeney được gọi là "James Bond” từ thiện, luôn tài trợ bí mật, không bao giờ phô trương, ồn ào. Năm 1997, tờ Time viết: “Đóng góp của Feeney được xếp vào hàng vĩ đại nhất so với bất kỳ người Mỹ nào còn sống”. Ông là chủ đề bộ phim tài liệu “Secret Billionaire Chuck Feeney Story” (TV Movie 2009); được trao tặng giải thưởng “Biểu tượng Công nghiệp”; bằng Tiến sĩ Luật Danh dự đại học Cornell; giải thưởng "Presidential Distinguished Service" của Ireland; huân chương đại học California; và đặt tên cho một con đường (Feeney Way).

Với Việt Nam, Feeney là người bạn chí tình và hào hiệp. Ông đến bệnh viện Trung ương Huế năm 1998, cùng đoàn công tác của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ - Hoa Kỳ thăm khoa Nhi, và giúp chăm sóc những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Lúc đó, nhiều người Việt Nam chưa biết ông là ai.

feeney-va-vo-tai-benh-vien-tw-hue.-anh-tl-bv-hue.jpg
Ông Feeney và vợ tại bệnh viện TW Huế - Ảnh: TL BV Huế

Ông cam kết tài trợ xây dựng mới khoa Nhi 4 tầng, khang trang, hiện đại. Ông tiếp tục gắn bó với Việt Nam như xây dựng Trung tâm Tim mạch 6 tầng với trang thiết bị tiên tiến, rồi Trung tâm Mắt, Trung tâm Đào tạo, và nâng cấp bể xử lý nước thải. Đăc biệt là năng cấp hệ thống y tế cộng đồng các địa phương. Tổng giá trị tài trợ 270 triệu USD, trong đó trên 16 tiệu USD giúp Bệnh viện Trung ương Huế, trở thành trung tâm y tế hàng đầu Việt Nam.

Sự ra đi của ông là mất mát lớn với tất cả người thân yêu, với tổ chức TAP, với hàng triệu con người đã được ông giúp đỡ và tiếp sức mấy chục năm qua. Dù không còn nữa, nhưng những di sản ông để lại vẫn tiếp tục sống mãi.

Warren Buffett nói về Feeney "Ông ấy không chỉ là anh hùng của tôi và Bill Gates mà là của mọi người". Bill Gates khẳng định “Chuck Feeney đã tạo ra con đường để các nhà từ thiện đi theo.”

Triết lý "Cho đi khi còn sống" đã định hướng hoạt động, tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà từ thiện và tổ chức từ thiện khắp thế giới.

(*) Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho đi khi còn sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO