Trump bị luận tội, Nhà Trắng phản ứng, rồi làm gì nữa?

Ý Nhi| 19/12/2019 07:00

Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sáng 19/12, Donald Trump đã trở thành vị tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị đưa ra luận tội - quyết định được xem như đòn đánh mạnh nhất từng giáng vào sự nghiệp chính trị của ông.

Trump bị luận tội, Nhà Trắng phản ứng, rồi làm gì nữa?

Kịch bản luận tội thành công, với kết quả sau cùng là ông Trump bị phế truất ghế tổng thống, khó có khả năng xảy ra.

Theo CNN, có 230 nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận và 197 nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống với cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực. Điều khoản luận tội Trump cản trở Quốc hội cũng được thông qua sau đó với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống. Có thể thấy, các nghị sĩ chủ yếu bỏ phiếu theo quan điểm của đảng: Dân chủ ủng hộ, Cộng hòa phản đối.

Phản ứng về kết quả cuộc bỏ phiếu, Nhà Trắng đã kịch liệt chỉ trích đảng Dân chủ: "Tại Hạ viện hôm nay đã đánh dấu một trong những màn kịch chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước ta. Dù không có bất cứ lá phiếu ủng hộ nào của đảng Cộng hòa, hay bằng chứng chứng minh sai phạm, đảng Dân chủ vẫn đẩy các điều khoản luận tội bất hợp pháp qua Hạ viện".

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lại không nghĩ vậy; bà cho rằng, ông Trump đã phản bội nước Mỹ khi thúc giục Ukraine điều tra ứng viên tranh cử tổng thống Joe Biden. Theo bà Pelosi, đây là cách ông Trump mượn quyền lực để triệt tiêu đối thủ chính trị trước thềm bầu cử 2020.

Sau khi chính thức bị luận tội, ông Trump sẽ phải đối mặt với phiên xử ở Thượng viện vào đầu năm tới - nơi sẽ quyết định có phế truất ông hay không, trong bối cảnh chỉ 10 tháng nữa là nước Mỹ bước vào ngày bầu cử tổng thống mới.

Chọn "nhóm chịu trách nhiệm luận tội"

Và, để chứng minh ông Trump có tội tại phiên tòa dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2020, bà Pelosi sẽ phải lập một “nhóm chịu trách nhiệm luận tội”, với các ứng cử viên chính là Chủ tịch Ủy ban tình báo Mỹ Adam Schiff và Chủ tịch tư pháp Mỹ Jerry Nadler. Bên cạnh đó, một cái tên khác cũng được nhắc đến là nghị sĩ bang Michigan Justin Amash - thành viên hiếm hoi thuộc đảng Cộng hòa đòi luận tội ông Trump.

Link bài viết

Trình vụ luận tội lên Thượng viện

Dự kiến, việc chuyển bản luận tội từ Hạ viện sang Thượng viện Mỹ sẽ chỉ mất thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số cá nhân chỉ trích ông Trump đã kêu gọi bà Pelosi không nên vội đưa bản luận tội lên Thượng viện, nơi lãnh đạo đảng đa số trong Thượng viện (đảng Cộng hòa) Mitch McConnell bày tỏ mong muốn vụ luận tội sẽ bị bác bỏ. Dẫu vậy, phần lớn thành viên đảng Dân chủ cho rằng, việc luận tội nhằm ngăn ông Trump có cơ hội "phản đòn"; do đó, không thể trì hoãn thêm.

Phiên tòa Thượng viện

Dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020, phiên toà sẽ quyết định có nên kết án và loại ông Trump khỏi ghế tổng thống theo quy định của Hiến pháp Mỹ hay không. Một cuộc luận tội thành công, tức dẫn tới kết quả cuối cùng là phế truất ông Trump, đòi hỏi phải có 2/3 thượng nghị sĩ của đảng đa số trong Thượng viện bỏ phiếu thuận, nghĩa là 67/100 ghế. Mà, Thượng viện lúc này do đảng Cộng hòa kiểm soát với 53 ghế, còn đảng Dân chủ, nếu tính gộp luôn 2 ghế độc lập, mới chỉ nắm 47 ghế. Hơn nữa, hầu hết các nhân vật cấp cao trong đảng đa số đều tuyên bố sẽ "bỏ qua" cho ông Trump.

Đồng thời, lịch sử cũng không đứng về phía bà Pelosi, khi chỉ 2 trong số 3 tổng thống Mỹ gặp kịch bản luận tội là Richard Nixon, Andrew Johnson và Bill Clinton bị chính thức điều tra luận tội, và không cuộc luận tội nào thành công. Năm 1998 - thời điểm các thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu luận tội cựu tổng thống Clinton, chính bà Pelosi cũng đã từng chứng kiến nỗ lực tuyệt vọng của đối thủ. Phe Cộng hòa khi đó đã muốn phế truất ông Clinton, dù biết rõ không thể làm điều này ở Thượng viện - một kịch bản y như tình huống của ngày hôm nay.

Ảnh hưởng bầu cử 2020?

Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy tỷ lệ người Mỹ ủng hộ luận tội ông Trump chưa lúc nào vượt xa mức 50%. Ngoài ra, gần như chưa có bằng chứng nào cho thấy việc bị luận tội sẽ đặt Trump vào vị thế chính trị xấu hơn trước thềm bầu cử tổng thống 2020.

Hiện, chưa rõ việc luận tội ông Trump có ảnh hưởng ra sao đến quyết định của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 năm sau. Trong khi đó, chi phí và mức độ sẵn có của dịch vụ y tế, cũng như sức khỏe nền kinh tế mới là những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất trong các cuộc thăm dò gần đây. Thêm nữa, 10 tháng là khoảng thời gian đủ dài để những sự kiện có tác động mạnh mẽ đến chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên xuất hiện. Nên, dù kịch bản có ra sao thì xác suất khá lớn là ông Trump vẫn sẽ ngồi ghế Tổng thống, và thậm chí có thể là ở cả nhiệm kỳ tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trump bị luận tội, Nhà Trắng phản ứng, rồi làm gì nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO