Chính phủ ban hành Danh mục 26 dữ liệu cốt lõi và 43 dữ liệu quan trọng
Ngày 2/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã ký ban hành Quyết định số 20/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về Danh mục dữ liệu cốt lõi và Danh mục dữ liệu quan trọng cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình thu thập, lưu trữ và sử dụng.
Theo nội dung Quyết định, dữ liệu cốt lõi được hiểu là những loại dữ liệu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia nếu bị thu thập, sử dụng trái phép.
Các lĩnh vực này bao gồm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe cộng đồng và an toàn công chúng. Mặc dù không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, các loại dữ liệu này vẫn cần được bảo vệ ở mức độ cao do tính chất nhạy cảm và tầm ảnh hưởng sâu rộng của chúng.
Chính phủ xác định tổng cộng 26 loại dữ liệu cốt lõi. Trong đó bao gồm dữ liệu liên quan đến biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, các chiến lược và dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và cơ yếu chưa được công khai.
Bên cạnh đó, dữ liệu về công nghiệp quốc phòng, các hoạt động đầu tư, mua sắm trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và dự trữ quốc gia cũng nằm trong danh mục cần bảo vệ.
Những thông tin liên quan đến các công trình quân sự, hạ tầng an ninh mạng, quy hoạch tần số vô tuyến phục vụ quốc phòng, cũng như dữ liệu khí tượng thủy văn và môi trường phục vụ mục đích quốc phòng đều được phân loại là dữ liệu cốt lõi.

Danh mục này còn bao gồm dữ liệu chưa công khai về hoạt động của Đảng, thông tin đối ngoại của các cơ quan nhà nước, các dữ liệu được chuyển giao bởi tổ chức quốc tế theo điều ước mà Việt Nam là thành viên, cùng với dữ liệu về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, các đề án tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương; thông tin về cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; dữ liệu về dân tộc, tôn giáo; tài nguyên nước và khoáng sản quý hiếm; dữ liệu không gian địa lý, ảnh viễn thám tại các khu vực trọng yếu; dữ liệu về đất đai, biển và hải đảo; tài chính, ngân sách; thông tin về hoạt động đánh bắt thủy sản; kế hoạch phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dữ liệu của các cơ quan tư pháp; dữ liệu về năng lượng nguyên tử và chiến lược năng lượng quốc gia; thông tin y tế và dữ liệu liên quan đến tổ chức, công dân cũng đều được xác định là dữ liệu cốt lõi.
Bên cạnh 26 dữ liệu cốt lõi nêu trên, Chính phủ cũng xác lập 17 loại dữ liệu bổ sung nhằm hình thành danh mục 43 dữ liệu quan trọng.
Các loại dữ liệu này có thể không gây ra tác động tức thì như dữ liệu cốt lõi nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao nếu bị xâm phạm hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Trong nhóm này có dữ liệu về hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; các dữ liệu liên quan đến điều tra, phòng chống tội phạm, vi phạm hành chính; dữ liệu thuộc lĩnh vực nội vụ, giao thông vận tải và thông tin truyền thông.
Ngoài ra, dữ liệu về quyền tác giả đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ ngoài lĩnh vực quốc phòng; dữ liệu môi trường chưa được kết luận chính thức; thông tin tài chính, ngân hàng; dữ liệu về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp; cùng với dữ liệu trong các lĩnh vực công nghiệp, vật liệu chiến lược, nông nghiệp, đầu tư nước ngoài, giáo dục và đào tạo, an toàn sinh học, lao động và xã hội đều được liệt kê trong danh mục dữ liệu quan trọng.
Một lần nữa, dữ liệu về tổ chức và công dân chưa công khai cũng được xếp vào nhóm này nhưng ở mức độ nhạy cảm thấp hơn so với dữ liệu cốt lõi.
Để đảm bảo thực thi hiệu quả Quyết định số 20/2025/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an giữ vai trò chủ trì, tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện trên phạm vi cả nước.
Bộ này cũng có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, cập nhật và đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục dữ liệu quan trọng và dữ liệu cốt lõi khi cần thiết.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm tra công tác triển khai đối với các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng và cơ yếu.
Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cụ thể hóa hướng dẫn, tổ chức phân loại và quản lý dữ liệu thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để bảo đảm tính thống nhất và toàn diện trong việc áp dụng danh mục dữ liệu quan trọng và dữ liệu cốt lõi.