Sau 16 năm lãnh đạo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có cuộc cải tổ nhân sự cấp cao nhằm thiết lập quyền kiểm soát tuyệt đối của ông khi còn có thể.
Nhà lãnh đạo 63 tuổi này đang loại bỏ một số người cao tuổi và chú trọng hơn đến những tài năng trẻ để phục vụ điện Kremlin, mà theo Bloomberg, một trong số đó có thể trở thành người kế nhiệm Putin vào một ngày nào đó, nhưng có lẽ là phải sau năm 2024.
"Thay máu" điện Kremlin
Tổng thống Putin không thừa nhận bất cứ điều gì dù có khá nhiều đồn đoán tại Moscow về việc ông đang lên kế hoạch chính trị, củng cố quyền lực cho nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo.
Ông Putin từ lâu được biết đến như một người luôn sát cánh cùng các đồng minh, giờ đây đang đào thải các lão tướng. Đầu tiên là Vladimir Yakunin, 68 tuổi, vào tháng 8/2015. Người đứng đầu ngành đường sắt quốc gia này vốn nổi tiếng với những đề nghị lặp đi lặp lại về việc chính phủ phải trợ cấp nhiều hơn cho hệ thống phương tiện giao thông.
Cuộc đào thải chấn động trong năm 2016 là Viktor Ivanov, 66 tuổi, người đứng đầu ngành cảnh sát. Tiếp theo là Sergei Ivanov, 63 tuổi, Chánh văn phòng Tổng thống. Đây vốn là những người có mối liên hệ mật thiết với ông Putin, trợ thủ đắc lực cho "triều đại" của ông.
"Mục tiêu của Putin là bảo vệ nguyên tắc của mình lâu dài, dựa vào những người mới với dòng máu mới" - Alexei Makarkin, Phó chủ tịch Trung tâm Công nghệ chính trị, nhà tư vấn chính trị Moscow cho biết.
Một trong những nhân sự trẻ được "dọn đường" vào bộ máy lãnh đạo là cựu vệ sĩ của ông Putin - Alexei Dyumin, 44 tuổi, người đã nhiều năm bên cạnh và luôn sẵn sàng "hộ giá” Tổng thống. Dyumin đã được đặt vào ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và chỉ vài tháng sau, ông này được chuyển đến làm thống đốc vùng Tula, phía nam thủ đô Moscow.
Khi được hỏi về Dyumin, Putin trả lời: "Điều quan trọng nhất là tìm đúng người muốn phát triển, có khả năng phát triển và muốn phục vụ cho tổ quốc. Nếu anh ta muốn điều đó và tôi có thể thấy tiềm năng của anh ta, thì tại sao không để cho anh ấy làm việc đó?".
Thế hệ "cận thần" mới đang ngày một đông tại bộ máy lãnh đạo xứ bạch dương và do chính ông Putin lựa chọn, sắp đặt. Trong khi những lão tướng đang nắm giữ khả năng cạnh tranh quyền lực với Putin trong kỳ tranh cử tổng thống sắp tới đều đã được "về hưu" thì những người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm lại lệ thuộc toàn bộ sự nghiệp vào ông chủ điện Kremlin. Đó có thể là dấu hiệu tốt cho việc khởi động lại nền kinh tế, nới lỏng kiểm soát nhà nước, kích thích doanh nghiệp tư nhân và cắt giảm lãng phí.
Ông Putin cho rằng những dấu hiệu về suy thoái kinh tế đang bị làm quá so với thực tế. Ông cũng gợi ý rằng công ty dầu khí nhà nước Rosneft có thể được phép đấu thầu với công ty nhỏ hơn trong những cuộc đấu giá tư nhân, như một cách ủng hộ thị trường nhưng thực tế là củng cố quyền kiểm soát của chính phủ.
Những quyết định đó giải thích vì sao nhiều nhà dự báo cho rằng mức tăng trưởng tốt nhất của kinh tế Nga trong vài năm tiếp theo là 1,5%, không đủ giúp nước này nằm trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin - đang là cố vấn cho ông Putin - cảnh báo rằng tình trạng kinh tế trì trệ của năm ngoái sẽ khiến ảnh hưởng của Nga trên thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua, xóa sạch những thành tựu kinh tế đã xây dựng trước đó.
"Tuy mức tín nhiệm đối với tổng thống và đảng cầm quyền sụt giảm, nhưng quyền lực thống trị của ông Putin vẫn không bị thách thức" - Evgeny Minchenko, một nhà tư vấn chính trị Moscow nhận định. "Nếu không có dấu hiệu nào về sức khỏe suy giảm hay những đe dọa về chính trị, Putin sẽ có thể ở lại lãnh đạo đất nước trong một thời gian dài" - ông Minchenko nói.
Luật của Putin
Quyền lực của Putin mạnh đến nỗi vị trí của ông tại Kremlin không có gì uy hiếp được, khiến ông không ngần ngại tạo nên cái gọi là "Luật của Putin". Cuộc tái tranh cử năm 2018 có thể giúp Putin phá vỡ kỷ lục nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu nhất vốn đang thuộc về nhà cầm quyền từ thời Xô Viết Leonid Brezhnev.
Không chỉ vậy, Putin đang thể hiện một đường lối lãnh đạo chưa hề có tại nước Nga. Ngay trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái do giá dầu sụt giảm và thấm đòn trừng phạt kinh tế, Putin vẫn có những động thái táo bạo trong việc sáp nhập Crimea và can thiệp sâu vào cuộc chiến tại Syria - hai sự kiện vốn được cho là rất mâu thuẫn với những chính sách vực dậy nền kinh tế nước nhà. Vậy nhưng ông Putin vẫn khẳng định: "Nhìn chung, chúng ta đang đi đúng hướng".
Thời hoàng kim nước Nga dưới thời đại Putin là khi giá dầu đạt 100 USD/thùng, mang đến doanh thu đến 2,1 nghìn tỷ USD. Nhưng khi giá dầu thô giảm đến ngưỡng 40 USD/thùng, thách thức với kinh tế Nga thực sự gay gắt, buộc Putin phải cải cách nếu không muốn đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, để nước Nga cân bằng tài chính, giá dầu cần đạt 82 USD/thùng, trong khi thực tế, giá dầu chững lại ở mức 50 USD/thùng từ đầu năm đến nay. Đã có hai cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Nga và không thể ngăn những cuộc khủng hoảng mới nếu giá dầu vẫn chạm đáy. Kể từ năm 2013, mọi cải cách kinh tế của ông Putin đều không đạt được thành quả nào, nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự đấu đá giữa các phe cánh trong điện Kremlin.
Tuy nhiên, trong cuộc cải tổ nhân sự, ông Putin vẫn không xóa sổ toàn bộ. Một số nhân vật giữ những công việc quan trọng hàng đầu và cho thấy vẫn có lợi sẽ tiếp tục được trọng dụng. Gazprom chính là tàn dư độc quyền, không minh bạch còn sót lại từ thời Xô Viết. Tập đoàn nhà nước này được đặt ngoài mọi cải cách. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nga và ngành điện lực cũng là những lĩnh vực bất khả xâm phạm.
>Donald Trump: "Putin giỏi hơn Obama"
>Putin: Người biết lật ngược thế cờ
> Bài phát biểu lịch sử của Putin