Ước mơ về một thị trường sách Đức

04/06/2009 03:52

Tôi mê Kiều Hoa ở sự thông minh, quyết đoán, mạnh mẽ trong mọi quyết định liên quan đến công việc; ở sự chịu lắng nghe và đặc biệt là sự nhiệt tình với bạn bè. Tôi còn mê chị vì tiếng cười giòn tan, cởi mở, tràn đầy tinh thần lạc quan. Có lần chị bảo, cuộc đời chỉ có hai thái cực: sống vui hoặc sống đau khổ, vậy thì dại gì mình không chọn sống vui.

Ước mơ về một thị trường sách Đức

Tôi mê Kiều Hoa ở sự thông minh, quyết đoán, mạnh mẽ trong mọi quyết định liên quan đến công việc; ở sự chịu lắng nghe và đặc biệt là sự nhiệt tình với bạn bè. Tôi còn mê chị vì tiếng cười giòn tan, cởi mở, tràn đầy tinh thần lạc quan. Có lần chị bảo, cuộc đời chỉ có hai thái cực: sống vui hoặc sống đau khổ, vậy thì dại gì mình không chọn sống vui.

Tiến sĩ Toán học Dương Kiều Hoa

Chúng tôi quen nhau từ 10 năm trước. Khi ấy, chị đang làm biên tập viên trang quốc tế của một tờ báo chuyên ngành giải trí. Thời đó, mạng internet chưa phổ biến, và nguồn sách báo dịch độc quyền thì rất khó mua. Một cộng tác viên dịch bài lâu năm đột nhiên ra nước ngoài định cư khiến tôi chới với.

Một người quen đã giới thiệu tôi với Kiều Hoa - một người bạn thân cùng du học ở Đức. Biết chị là tiến sĩ Toán học, đang là giáo viên dạy phần mềm cho một số công ty máy tính, tôi vừa nể vừa ngần ngại. Bởi lẽ, trong quan niệm của tôi, dân học toán khô như ngói, và chắc gì đã quan tâm đến mảng phim ảnh và giải trí, nhưng khi cộng tác rồi mới thấy mình... ấu trĩ. Khi đọc bài dịch tổng
hợp của chị, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: câu văn rõ ràng, súc tích, vừa chuẩn xác lại vừa mượt mà, cùng những nhận định, đánh giá sâu sắc.

Đặc biệt, chị rất đúng hẹn. Quê ở Bắc Ninh, Kiều Hoa tốt nghiệp Khoa Toán ứng dụng Trường Đại học Tổng hợp ở Đức. Sau đó chị học tiếp để lấy bằng tiến sĩ và từng tham gia giảng dạy ở Đức một vài năm. Về nước vào những năm đầu thập niên 1990, chị là một trong số những giáo viên đầu tiên dạy Autocard (một công cụ phổ biến của dân vẽ kỹ thuật) rồi phần mềm, chuyển giao công nghệ trong ngành truyền thông.

"Dịch sách, tiền nhuận bút không cao, nhưng đó là công cụ hữu ích ép mình với công việc, giữ tinh thần mình không bị trôi đi và cảm xúc không bị chai lì"

Đến giữa năm 2004, chị làm việc tại Công ty Misoft của Bộ Quốc phòng. Hai năm sau, Công ty tách ra và tiến hành cổ phần hóa, chị được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Thiết kế và Máy tính Kỳ Diệu (MICAD). Đây là một công ty chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, chuyên cung cấp phần mềm tự động hóa trong thiết kế cơ khí, điện, xây dựng; huấn luyện và đào tạo, tư vấn về công nghệ phần mềm.

Suốt nhiều năm quen biết, tôi thường nghe chị “khoe” nhiều về thú mê đọc sách và dịch sách. Là một tiến sĩ toán học, nhưng đời sống tinh thần của Kiều Hoa - như chị tự nhận là 90% gắn với sách. Tranh thủ thời gian rỗi ở công sở, hay buổi tối ở nhà chị giữ thói quen lang thang lên mạng đọc tin tức, chọn lọc và đặt mua những cuốn sách mới, nhất là sách best- sell. Đọc sách nguyên bản, nếu thấy thích chị lại dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với mọi người.

Đã nhiều năm liền, Kiều Hoa làm cộng tác viên thường xuyên của một số nhà xuất bản. Ngay cả khi mang bầu rồi nuôi con nhỏ, chị vẫn tranh thủ đọc sách và dịch sách. Từ khi có con, chị rất thích dịch sách dành cho lứa tuổi học trò và đa phần những cuốn sách chị dịch đều nằm trong tủ sách Kiến thức do NXB Trẻ phát hành. Một lần, tôi tò mò hỏi Kiều Hoa là dân tự nhiên mà sao mê sách và viết lách thế, chị cười, chia sẻ: “Thế hệ của mình có gì đâu ngoài sách, từ khi biết chữ thì chỉ có sách làm thú vui giải trí thôi”. Hơn nữa, gia đình chị có tới 4 người là dân văn chương. Một ngày đầu tháng 3/2009, tôi bất ngờ gặp Kiều Hoa trong một sự kiện kết hợp ra mắt sách và phim ở rạp Thăng Long.

Thật ngạc nhiên vì bộ sách được giới thiệu hôm đó lại là sản phẩm đầu tay của Công ty Dịch thuật Đức Việt, một cái tên mới tinh trong làng sách. Càng ngạc nhiên hơn khi tôi biết đây là Công ty do chị và bạn bè cùng thành lập. Cuốn sách đầu tiên (4 tập) có cái tên khá “sốc”: Con gái láo (sách best sell của Đức) được Đức Việt ra mắt vào dịp 8/3 và là “hương vị mới” trong tủ sách dành cho tuổi teen. Thế là tôi lại “lẽo đẽo” theo chị để bắt đầu câu chuyện liên quan đến sách.

Năm 2008, khi hoạt động của Kỳ Diệu đã vào guồng, Kiều Hoa nghĩ đến việc lập một công ty chuyên về sách để khi tìm được sách mới có thể chủ động hơn trong việc dịch thuật của mình. Được một người bạn gái thân giúp sức, tháng 2/2008, Công ty Dịch thuật Đức Việt ra đời. Bạn lo tài chính, chị tập trung đi tìm sách hay và dịch. Phần biên tập, chị kéo được nhà thơ trẻ vốn là biên tập viên của một nhà xuất bản. Để tạo lối đi riêng, chị chọn sách tiếng Đức để dịch. Chị đã mua bản quyền một loạt tiểu thuyết đang ăn khách ở Đức, trong đó cuốn “Con gái láo - Sách láo”.

Đây là một cuốn sách rất khó dịch, bởi những bức bối của sự đổi thay tâm sinh lý đang diễn ra trong cô bé Kiki (Kristina Siebert) được tác giả thể hiện bằng một giọng văn rất hóm hỉnh. Làm sao để dịch thoát hết những bức bối luôn chực chờ bùng nổ của nhân vật mà vẫn thể hiện được ẩn ý hài hước trong từng câu chữ của tác giả là điều mà nhóm dịch thuật của Đức Việt quan tâm nhất. Và thật bất ngờ, độc giả đầu tiên đã chia sẻ những tâm đắc khi đọc bản dịch là cô con gái 14 tuổi Kiều Khanh của chị. Bìa sách cũng được thực hiện dựa trên ý tưởng của cô bé về Kiki và các bạn sau khi đọc “Con gái láo - Sách láo”.

Chị Kiều Hoa (giữa) và hai cộng sự ở Công ty dịch thuật Đức Việt

Với những dự án tuyển chọn và giới thiệu những bộ sách nổi tiếng của Đức, mong muốn lớn nhất của Kiều Hoa và các cộng sự ở Đức Việt là trong tương lai sẽ tạo được một thị trường nho nhỏ về sách Đức ở Việt Nam. Nghe chị tâm sự về những dự án dài hơi của mình, tôi hơi ngần ngại vì dù sao dòng sách Đức cũng còn quá mới trong thị trường sách dịch vốn rất phong phú tại Việt Nam hiện nay. Nhận ra sự băn khoăn của tôi, Kiều Hoa trấn an: “Xét khía cạnh kinh tế, thời buổi bây giờ làm sách là lỗ. Mà lại lao vào dòng sách lạ như Đức Việt thì khả năng lỗ càng cao.

Nhưng nếu xét về khía cạnh văn hóa, khi con tôi và các bạn của nó có được những tác phẩm hay để đọc và chia sẻ thì đó chính là lời rồi. Sách như một quan hệ phi lô-gic, không có giá trị vật chất, nhưng luôn làm người ta mê một cách tự nhiên như khi chơi thể thao vậy, không được lợi cái này thì lợi cái kia. Nhìn xa hơn thì rõ ràng thị trường sách ở Việt Nam so với thế giới còn quá nhỏ, tỷ lệ đầu sách quá khiêm tốn.

Riêng ở Đức đã có 700 nhà xuất bản, trong khi dân số cũng chỉ tương đương Việt Nam. Khi quyết định dịch sách và in sách, mình không đặt nặng vấn đề kinh doanh mà trước tiên là để thỏa mãn máu văn chương và đam mê cá nhân”. Viết về thú mê sách của Kiều Hoa, tôi lại nhớ câu nói vui của chị: “Sách hay giống như một người tình, dịu dàng ru ta vào một thế giới riêng lung linh với rất nhiều tinh tuý”. Chẳng phải châm ngôn gì ghê gớm, tôi nghĩ, những người mê sách hẳn sẽ đồng ý với cách nghĩ này của chị!

Điều Kiều Hoa trăn trở là sức đọc của người Việt mình chưa cao, sách dày lại càng ngại đọc. Trong trường, học sinh thường học theo kiểu thuộc lòng, không được dạy phải đọc chéo (kiến thức khái quát) nên không có cái thú mắt lia đến đâu, trí não lao theo đến đó. Phải làm sao để cải thiện thói quen đọc sách cho các em ngay từ nhỏ. Chị cũng mong thị trường sách ở Việt Nam đa dạng hơn, có nhiều nhà phê bình dám xả thân phân tích cái hay, cái dở của các cuốn sách một cách chỉn chu hơn để định hướng cho người đọc. Chị cũng tỏ ra ái ngại vì khâu PR sách ở ta chưa liên hoàn, chỉ đơn thuần dừng lại ở mục đích giới thiệu sách.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ước mơ về một thị trường sách Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO