Sheryl Sandberg: "Tóm" cơ hội, tạo quyền lực

DIỆU LIÊN| 19/02/2018 02:30

Trong thế giới quản trị, có những sự kiện có thể làm thay đổi sự nghiệp của một con người theo những diễn biến khác hẳn. Một trong những sự kiện như vậy đã diễn ra với Sheryl Sandberg, người đang là COO của Facebook.

Sheryl Sandberg:

Bà Sheryl Sandberg

Sự kiện diễn ra vào năm 2007, khi nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg nhận ra rằng mình cần sự hỗ trợ, vì trang mạng xã hội tuy đang tăng trưởng rất nhanh nhưng ở tuổi 23, anh cảm thấy chưa có sự chuẩn bị tốt để quản lý một công ty đang trên đà phát triển cao.

Tháng 12 năm ấy, Zuckerberg đến dự tiệc Giáng sinh tại nhà Dan Rosensweig - một nhà quản lý tại Thung lũng Silicon. Tại đây, Zuckerberg đã gặp Sheryl Sandberg - một phó chủ tịch 38 tuổi đang phụ trách mảng kinh doanh và hoạt động trực tuyến của Google. Và từ đây con đường sự nghiệp của Sheryl Sandberg bắt đầu chuyển sang một trang mới trong một công ty non trẻ.

Link bài viết

Sheryl Sandberg sinh tại Washington D.C.  Hoa Kỳ vào tháng 8/1969, sau đó gia đình chuyển đến North Minami Beach, bang Florida khi cô mới hai tuổi. Ở trường phổ thông North Minami Beach, Sheryl Sandberg học trong khối Cộng đồng danh dự quốc gia (National Honor Society) và tốt nghiệp năm 1987.

Sau đó, Sandberg nộp đơn vào học tại Trường Kinh doanh Harvard. Tại đây, Sheryl Sandberg theo học ngành kinh tế và được giáo sư Lawrence Summers hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Cô nghiên cứu sự bất bình đẳng trong kinh tế ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng và thành lập nhóm Phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế và chính phủ nhằm khuyến khích và thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực công và kinh tế.

Sheryl Sandberg tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc vào năm 1991 tại Trường Kinh doanh Harvard. Cũng trong năm đó, giáo sư Lawrence Summers trở thành chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và ông đã đề nghị Sandberg trở thành trợ lý nghiên cứu. Sheryl Sandberg làm việc cho Summers trong hai năm và tiếp tục học MBA tại Trường Kinh doanh Harvard, năm 1995 tốt nghiệp loại ưu.

Không lâu sau, Summers trở thành Phó tổng thư ký Ngân khố Quốc gia dưới thời Tổng thống Bill Clinton và giáo sư lại đề nghị Sandberg trở thành trưởng nhóm cộng sự. Một lần nữa cô đã chấp nhận lời đề nghị và theo đuổi công việc này kể cả khi Summers trở thành Tổng thư ký Ngân khố Quốc gia năm 1999. Cô đã tiếp tục đồng hành cùng Summers cho đến năm 2001 khi George Bush trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

Gia nhập Google với vai trò là Phó chủ tịch mảng kinh doanh và hoạt động toàn cầu, Sandberg chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh quảng cáo và những sản phẩm xuất bản trực tiếp, Google book và sản phẩm tiêu dùng. Sandberg làm việc với Google cho đến năm 2008, được đánh giá là thành công vượt bậc.

Năm 2001, cô đến Thung lũng Silicon nhằm kiếm tìm một cơ hội nghề nghiệp mới. Thời điểm đó không phải là lúc tốt nhất để tìm việc vì sự kiện bong bóng dot.com xảy ra với việc nhiều công ty nhỏ đóng cửa, không ít công ty lớn phải sa thải nhân viên. Một vị CEO nữ đã nhìn vào Sandberg và nói rằng: "Chúng tôi không nghĩ là sẽ thuê một người như cô”.

Tuy nhiên, sau đó Sandberg nhận được một vài đề nghị và cô phải lập một danh sách những công ty có tầm nhìn dài hạn làm tiêu chí chọn lựa. Một trong những cơ hội nghề nghiệp nổi bật trong danh sách là vị trí tổng giám đốc bộ phận kinh doanh của Google. Công việc này thoạt nghe có vẻ rất hấp dẫn, tuy nhiên tại thời điểm đó không ai có thể nghĩ những công ty internet có thể kiếm ra tiền.

Google dường như không có đơn vị kinh doanh, vì vậy cô tự hỏi là mình sẽ quản lý gì đây. Công việc này cũng có vẻ kém hấp dẫn hơn những công việc mà Sandberg được mời gọi từ các nơi khác. Tuy nhiên, Sandberg vẫn vượt qua sự hụt hẫng ban đầu này để tiếp tục công việc và cô đã làm việc tại Google hơn 6 năm trước khi tham gia vào mạng lưới của Facebook với vị trí COO, dù có rất nhiều công ty đã đưa ra lời đề nghị với vị trị CEO.

Sheryl Sandberg và chồng David Goldberg - Ảnh: time.com

Sheryl Sandberg và chồng David Goldberg - Ảnh: time.com

Trong giai đoạn hụt hẫng tại Google, Sandberg đã đến ngồi cạnh Eric Schmidt, người vừa trở thành CEO của Google và cô đã đưa cho Schmidt một mẫu giấy và nói rằng công việc không đáp ứng bất cứ tiêu chí nào trong danh sách tiêu chí công việc của cô.

Schmidt đặt tay lên mảnh giấy, nhìn thẳng vào mắt Sandberg và nói: "Đừng ngây thơ như vậy. Khi công ty đang tăng trưởng ấn tượng, đang có được nhiều ảnh hưởng trên thương trường, tính chất công việc sẽ tự điều chỉnh theo nó. Và khi công ty không còn giữ đà tăng trưởng nữa hoặc sứ mệnh công ty không còn phù hợp, đó là lúc sự trì trệ bắt đầu và những chính sách cần được đưa ra. Nếu bạn được giao cho một vị trí trên con tàu tên lửa thì đừng hỏi chiếc ghế nào mà hãy tóm lấy nó”. Theo như Sandberg, bài học quý giá này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của cô sau này.

Rồi Sandberg tham gia Facebook với vị trí giám đốc hoạt động (Chief Operating Officer - COO). Với vị trí này, Sandberg giám sát việc kinh doanh của Công ty, đặc biệt là giúp Facebook mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Sandberg cũng giám sát quản lý bán hàng, phát triển kinh doanh, nguồn nhân lực, marketing, chính sách công, cá nhân và truyền thông.

Có thể xem vị trí COO của Sandberg gần tương đồng với vị trí CEO tại các công ty khác. Nhờ sự đóng góp cho những trọng trách này, Sandberg đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng, và từng bước tiến lên để ghi danh vào danh sách tỷ phú thế giới vào năm 2014 nhờ số cổ phần tại Facebook sau khi công ty trở thành công ty đại chúng vào năm 2012. Cũng vào năm 2012 này, Sandberg đã trở thành thành viên nữ đầu tiên trong ban giám đốc của Facebook.

Theo Forbes, chiến dịch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ từ địa phương vươn ra toàn cầu của Facebook được xem như công cụ cá nhân nhằm giúp đỡ người sử dụng thông thường tiếp cận các tiện ích mà chỉ phổ biến trong các kênh truyền thông truyền thống. Cụ thể, với chiến dịch này, Facebook muốn cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ môi trường kinh doanh mà trước đây chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn.

Và Sandberg là một trong những người đi đầu trong chiến dịch này. Facebook muốn tạo điều kiện thuận lợi và với mức chi phí không quá tốn kém cho các doanh nghiệp nhỏ để tiếp cận khách hàng thông qua chiến lược số hóa khi mà dịch vụ này vốn rất phổ biến tại các doanh nghiệp lớn.

Các dịch vụ điển hình như duy trì sự hiện diện di động và trực tuyến một cách chủ động và tạo ra hiệu ứng quảng cáo sinh động cho công ty. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển dịch sang dịch vụ di động và tiếp cận được nguồn khách hàng hiện tại và tương lai" - theo lời của Sandberg.

Khi kinh doanh phát triển, lãnh đạo công ty phải đối diện với nhiều chọn lựa khó khăn. Đôi lúc họ phải quyết định tạm dừng sự phục vụ của thành viên dù đó là đội ngũ chủ chốt thời kỳ đầu khởi nghiệp nhưng kinh nghiệm quản lý và điều hành đã không còn phù hợp với một doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh. Và theo đó, Sandberg cũng sẵn sàng thuê người thay thế khi cần thiết.

Theo đó, Sandberg và Zuckerberg đã đồng ý lập ra một lịch trình gặp mặt hai lần mỗi tuần để đưa ra những phản hồi cho nhau và giải quyết những bất đồng trong suốt thời gian gần 10 năm cùng làm việc với nhau. Theo thời gian, mục tiêu, sự ưu tiên, và những thách thức đang từng ngày thay đổi nhưng một điều vẫn tồn tại chính là sự hợp tác và cùng nhau tìm giải pháp cho những bất đồng trong Công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sheryl Sandberg: "Tóm" cơ hội, tạo quyền lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO