Châm cứu: Phương pháp điều trị không dùng thuốc

ThS-BS. Nguyễn Xuân Hưng (*)| 16/04/2023 01:00

Tại Việt Nam, từ ngàn xưa tổ tiên ta đã dùng châm cứu để phòng, trị bệnh. Châm cứu là tên gọi của hai hình thức: châm - dùng kim xuyên qua da của một vùng cơ thể nhất định, gọi là huyệt; cứu - dùng lá khô của cây ngải cứu đốt lên để hơ nóng huyệt.

Châm cứu: Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Thông thường, người ta nghĩ đến châm cứu khi đau nhức hay bị liệt. Đó là một thiếu sót lớn. Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc, vừa là phương pháp chính, vừa là phương pháp hỗ trợ, ít tác dụng phụ.

Theo y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh do sự mất cân bằng "âm" và "dương" trong cơ thể. Khi âm và dương mất cân bằng, cơ thể sẽ bị giảm khả năng chống đỡ với bệnh tật, kinh mạch bị tắc nên bệnh phát sinh. Châm cứu giúp phục hồi sự tuần hoàn của hệ kinh mạch và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) nên có thể phòng và trị được nhiều bệnh.

Y học cổ truyền được chia ra nhiều khoa, như nội, ngoại, nhi, ôn bệnh (nhiễm), phụ khoa... Các bệnh thuộc phạm trù y học cổ truyền đều có thể sử dụng châm cứu để trị liệu. Ví dụ, giảm đau trong các loại bệnh lý thoái hóa khớp, bệnh đĩa đệm cột sống, đau sau chấn thương, đau đầu, đau do co thắt cơ trơn... phục hồi liệt, yếu liệt nửa người, sau chấn thương, liệt thần kinh số 7 ngoại biên, sụp mi... rối loạn giấc ngủ, căng thẳng (stress); tăng sức đề kháng, hỗ trợ cắt cơn thiếu thuốc (thuốc lá, thuốc gây nghiện...); tăng cường dinh dưỡng mô, cơ, da và tổ chức dưới da (dùng trong thẩm mỹ); các bệnh đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản; các bệnh lý phụ khoa...

Hiện nay, có nhiều phương pháp châm cứu được sử dụng phổ biến như thể châm (châm các các huyệt trên cơ thể), đầu châm (châm các huyệt trên da đầu), nhĩ châm (châm các huyệt trên loa tai), châm tê (phát triển mạnh ở các tỉnh, thành miền Bắc), trường châm, mãng châm, cấy chỉ, thủy châm, điện châm.

-6574-1681186597.jpg

Mỗi loại châm cứu đều có hiệu quả nhất định trên một số dạng bệnh lý.

Hiện nay, do công nghệ phát triển, kim vô khuẩn và chỉ dùng một lần, lại có thêm phương pháp cấy chỉ, thủy châm, điện châm. 

Cấy chỉ: Là phương pháp mới của châm cứu, tức đưa chỉ tự tiêu vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích (trung bình khoảng 14 ngày chỉ sẽ tự tiêu), từ đó kích thích các huyệt phù hợp giúp cơ thể tự điều chỉnh các rối loạn. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là rất tiện lợi, không cần phải châm nhiều lần. 

Thủy châm (hay còn gọi là tiêm thuốc vào huyệt): Là phương pháp chữa bệnh dùng thuốc y học hiện đại phối hợp với phương pháp chữa bệnh châm kim theo y học cổ truyền, thông qua tác dụng của thuốc duy trì thời gian kích thích lên huyệt vị nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Điện châm: Là phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt.

Châm cứu có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh. Thường thì việc điều trị bằng châm cứu áp dụng cho ba nhóm bệnh lý: đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể. Cụ thể như sau:

Đau: Đau do dây thần kinh (đau thần kinh tọa), zona thần kinh, đau vai gáy, đau cơ xương khớp, giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, cột sống cổ, lưng... Châm cứu giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả, tương tự như các loại thuốc giảm đau trong Tây y, nhưng an toàn và rất ít tác dụng phụ. Đặc biệt, phương pháp châm cứu này còn tác động đến toàn thân, tăng cường thể trạng, sức đề kháng, do đó duy trì hiệu quả lâu bền hơn và hạn chế tái phát cơn đau.

Liệt: Liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh 3, 4, 5, 6, 7,  liệt dây thanh. Châm cứu giúp người bệnh phục hồi chức năng sau đột quỵ nhờ cải thiện tuần hoàn máu.

Rối loạn chức năng cơ thể: Cảm cúm, mất ngủ, viêm xoang, các bệnh về dạ dày, ruột, các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh, tiểu dầm, bí tiểu... Liệu pháp châm cứu giúp mang lại sự cân bằng cho cơ thể, cải thiện chức năng sinh lý cho cả nam lẫn nữ. Từ đó hỗ trợ điều trị hiệu quả vô sinh, hiếm muộn.

Bất kỳ một phương pháp điều trị nào cũng đều có ưu nhược điểm. Điều trị bằng châm cứu cũng vậy, nếu lạm dụng sẽ gây ra tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân cần châm cứu theo đúng liệu trình được bác sĩ chỉ định.

Thông thường, một liệu trình châm cứu kéo dài khoảng 10-15 lần châm. Tuy nhiên, tùy theo sự tiến triển trong điều trị bệnh, thầy thuốc có thể kéo dài hoặc rút ngắn liệu trình. Người bệnh không nên tự ý ngưng điều trị. Khi điều trị bằng châm cứu nhiều ngày liên tục, thầy thuốc sẽ luân phiên các huyệt để người bệnh không bị châm nhiều lần vào một huyệt gây đau, khó chịu.

Tác hại của việc châm cứu hiếm khi xảy ra và không quá nghiêm trọng. Song vẫn có trường hợp người bệnh sẽ gặp một số vấn đề sau: 

Đau sau châm: Sau khi rút kim châm, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu và đau tức tại vị trí kim châm. Nhưng chúng thường biến mất trong 24 giờ đồng hồ.

Chảy máu hoặc bầm tím: Khi rút kim châm có chảy máu nhưng ít khi xảy ra, nếu có thì lượng chảy máu rất ít. Nếu người bệnh có bệnh lý về đông máu, đang sử dụng thuốc kháng đông, cần thông báo cho thầy thuốc. Vết bầm thỉnh thoảng xuất hiện tại vị trí châm kim, người bệnh không nên lo lắng, chườm ấm sẽ mau hết.

Phỏng trong quá trình hơ ngải cứu: Nếu thầy thuốc cẩn trọng thì khó xảy ra.

Vựng châm: Vừa châm kim xong, người bệnh bỗng nhiên cảm thấy khó chịu, hoa mắt, buồn nôn, tay chân lạnh, toát mồ hôi, trụy tim mạch, có khi bị ngất, hiện tượng này gọi là vựng châm hoặc say kim. Nguyên nhân có thể do suy nhược, quá sợ hãi, yếu tim, dễ kích động, mới đến chưa được nghỉ, đói hoặc do bị châm quá đau, kích thích quá mạnh.

Để đề phòng hiện tượng vựng châm: Đối với người mới châm, sức yếu, mệt, đói, nên nghỉ 10-15 phút trước khi châm. Với người tim yếu, dễ xúc động, thần kinh nhạy cảm, cần giải thích trước khi châm để họ an tâm.

Nếu người bệnh ở TP.HCM thì có các bệnh viện y học cổ truyền, như Bệnh viện Đại học Y Dược Cơ sở 3, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, Viện Y Dược học dân tộc. Hoặc người bệnh có thể đến các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh, thành vì đều có khoa y học cổ truyền để được khám và điều trị. 

(*) Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Đa khoa Bưu điện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châm cứu: Phương pháp điều trị không dùng thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO