Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã phải "đón nhận" và bị "bao vây" bởi nhiều tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững đến từ nước ngoài. Điều này khiến doanh nghiệp nuôi thủy sản bối rối, bởi tiêu chuẩn nào cũng "quốc tế”, còn chi phí chứng nhận thì cao ngất ngưởng.
Đọc E-paper
Trong khi đó, Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) trong nuôi trồng thủy sản liệu có được xem là giải pháp đưa nghề nuôi thủy sản Việt Nam ra khỏi "mê hồn trận" tiêu chuẩn quốc tế?
Các quốc gia có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển trên thế giới cũng đã xây dựng và tiến hành chứng nhận các tiêu chuẩn quốc gia riêng để hỗ trợ sản xuất trong nước như: Thái Lan có ThaiGAP, Trung Quốc có ChinaGAP, Đài Loan có TaiwanGAP, Malaysia có SPLAM...
Cũng theo xu hướng chung này, tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) - quy phạm thực hành áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, với trọng tâm là kiểm soát quá trình nuôi thương phẩm và các yếu tố đầu vào.
Ưu điểm là... lý thuyết
Bà Trần Thị Thu Nga - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ, dịch vụ và Phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), thành viên ban soạn thảo VietGAP cho biết, VietGAP trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định chung của FAO (CoC, 1995 - Điều 19 và TGAC, 2011- Mục 18) cũng như pháp luật Việt Nam; đã tiếp cận và là nền tảng của các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến (ISO, GFSI, GlobalGAP, ASC). VietGAP là bộ quy phạm chung cho nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam phù hợp với xu thế chung về chứng nhận GAP, mở ra khả năng sử dụng VietGAP cho các loài nuôi khác nhau và thuận lợi cho việc tham chiếu các quy định mới.
Điều đáng chú ý là nội dung VietGAP chỉ có 68 tiêu chí, đơn giản hơn nhiều so với hơn 200 tiêu chí của các hệ thống chứng nhận khác (như GlobalGAP) và được xây dựng phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
Theo bà Nga, mục tiêu chính của VietGAP là nhằm tăng cường quản lý để phát triển bền vững năng suất và sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, an toàn xã hội. Từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng hình ảnh của sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế, là cơ sở chống bôi nhọ sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Việc ra đời của tiêu chuẩn này cũng nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở nuôi vừa và nhỏ tham gia thị trường, tiếp cận các dịch vụ; nâng cao nhận thức của người sản xuất về sản xuất hàng hóa, chứng nhận sản phẩm, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường; nâng cao chất lượng của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản mà không làm tăng quá mức chi phí sản xuất.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản sẽ giúp thay đổi dần tập quán sản xuất, suy nghĩ của nông dân cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững, trước hết là đối với người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.
Đồng thời, nếu cơ sở nuôi thủy sản có nhu cầu chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế khác thì VietGAP cũng là cơ sở để người nuôi trồng thủy sản chuyển đổi dễ dàng với chi phí thấp và những điều chỉnh nhỏ trong sản xuất.
Cần nỗ lực để triển khai thành công
Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng VietGAP đại trà đối với các vùng thủy sản trong cả nước vẫn là một con đường đầy gian nan phía trước. Chẳng hạn, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thiếu vốn cải tạo hệ thống ao nuôi thủy sản phù hợp với tiêu chuẩn. Người dân không quen với việc ghi chép nhật ký công việc.
Nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng về sản phẩm an toàn chưa đầy đủ dẫn đến chưa có sự khác biệt về giá cả giữa sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống với sản phẩm đạt chuẩn,…
Đặc biệt, hiện chuẩn VietGAP chưa được thị trường quốc tế công nhận (Benchmark) là bộ tiêu chuẩn đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Tại một số hội nghị, chúng tôi cũng chứng kiến có doanh nghiệp lớn tiếng phản đối VietGAP rằng: "Bộ tiêu chuẩn không được thế giới thừa nhận thì áp dụng làm gì?"
Còn các hộ nuôi thủy sản, khi đầu tư thêm không ít công sức, tiền của vào cùng một diện tích nuôi nhưng trước mắt sản lượng giảm (do phải dành một diện tích ao nuôi làm ao xử lý nước thải), giá bán không cao hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống thì rõ ràng không đủ động lực để họ nhiệt tình với VietGAP.
Trước thực trạng nêu trên, để VietGAP được nông dân nuôi thủy sản đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành có liên quan cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định, khẳng định một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm sản xuất theo kiểu cũ, trước hết là ở thị trường nội địa.
Riêng khâu xúc tiến quảng bá, đàm phán và thúc đẩy quốc tế thừa nhận đối với VietGAP là điều khó khăn, bởi các quốc gia đều tìm cách dựng hàng rào kỹ thuật của riêng mình.
Vì vậy, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp nuôi thủy sản VietGAP với nhận thức rõ ràng rằng đây là bước đệm cần thiết để chuyển đổi sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với từng thị trường xuất khẩu. Từ đó, từng bước hình thành thương hiệu quốc gia về thủy sản Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay nước ta có nhiều hệ thống chứng nhận độc lập về việc đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất bền vững do các tổ chức phi chính phủ các nước sáng lập như: BAP, GlobalGAP, MSC, MetroGAP, ASC, IFORM, SQF... Tất cả các bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở hướng dẫn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) với bốn nội dung cơ bản phải tuân thủ là: an toàn thực phẩm, sức khỏe và an sinh động vật nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội. Song, mỗi hệ thống chứng nhận trên chỉ đi sâu vào một số khía cạnh nào đó theo các yêu cầu của FAO để hình thành nên các bộ tiêu chuẩn khác nhau. Kế tiếp, các tổ chức sáng lập hệ thống chứng nhận này sẽ chọn thị trường mục tiêu và dùng các biện pháp tác động lên các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng tại một số quốc gia nào đó để yêu cầu nước sản xuất phải đạt được các chứng nhận này. Điển hình, chứng nhận GlobalGAP là yêu cầu của thị trường châu Âu với trọng tâm theo thứ tự ưu tiên là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội (đặc biệt quan tâm đến người lao động); GAA là chứng nhận được yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Anh, Hoa Kỳ cũng với trọng tâm là an toàn thực phẩm, môi trường và xã hội nhưng ở mức độ nghiêm ngặt hơn. Trong khi đó ASC là chứng nhận được đòi hỏi tại thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và một số nơi khác, với khía cạnh được xem trọng nhất là môi trường, kế đến là xã hội và cuối cùng mới là an toàn thực phẩm. Sự phát triển quá nhiều bộ tiêu chuẩn chứng nhận độc lập như trên đã làm người nuôi trồng thủy sản bối rối. Việc tuân thủ các quy chuẩn này thường làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến các sản phẩm đạt chuẩn có giá thành cao hơn so với sản phẩm được sản xuất theo cách truyền thống, từ đó làm giảm tính cạnh tranh. Ngoài ra, các hệ thống chứng nhận này thường xem nhẹ các cơ sở nhỏ, bởi chỉ có các cơ sở sở nuôi trồng thủy sản quy mô lớn mới có đủ kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn để được chứng nhận. Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, để có được chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế thì phải có gần 100 ngàn USD cho lần chứng nhận đầu với thời hạn 1 năm, và 12 ngàn USD/năm cho những lần tái chứng nhận. Đối với chứng nhận GlobalGAP, phí chứng nhận là 8 ngàn USD cho năm đầu chứng nhận và các lần chứng nhận sau phải trả 2 ngàn USD. Một cơ sở nuôi thủy sản muốn xuất khẩu vào nhiều thị trường thì phải đạt nhiều loại chứng nhận khác nhau, dẫn đến chi phí cho việc có các chứng nhận này là rất lớn. |
>Siết trọng tải, doanh nghiệp thủy sản gặp khó
>Thực phẩm VietGAP: Chưa thể "về đích"