"Bom nổ chậm" từ trái phiếu doanh nghiệp

Khánh Phương| 30/05/2023 06:00

Với lượng trái phiếu doanh nghiệp [TPDN] đáo hạn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tập trung cao điểm vào nửa cuối năm nay, trong khi lượng doanh nghiệp [DN] kinh doanh thua lỗ, chậm thanh toán tiền  gốc, lãi trái phiếu ngày càng tăng, thị trường này được ví von như "bom nổ chậm".

"Bom nổ chậm"

Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát - một DN liên quan tới cổ đông lớn của Công ty CP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải, mới đây công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc trái phiếu có mã HPCCH2122001. Theo đó, trái phiếu này có ngày thanh toán theo kế hoạch là 8/8/2022 với số tiền lãi gần 14,2 tỷ đồng và số tiền gốc là 250 tỷ đồng, nhưng đến nay đã 9 tháng trôi qua nhưng công ty vẫn chưa thể thanh toán 205,8 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu do chưa thu xếp được nguồn vốn.

Một tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang là Thái Tuấn trước đó cũng cho biết chỉ mới thanh toán được một nửa trên tổng số tiền lãi phải trả của trái phiếu TTDCH2122001 và TTDCH2122002. Trong khi đó, số tiền thanh toán gốc của trái phiếu TTDCH2122001 và trái phiếu TTDCH2122002 lần lượt là 300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng chưa được thanh toán dù thời gian đáo hạn của trái phiếu đã qua. Nguyên nhân công ty đưa ra cũng là do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. 

Theo thống kê của công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tính đến ngày 4/5/2023, thị trường đã ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN, tổng giá trị là 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất. Chỉ trong nửa đầu tháng 5 này, đã có 6 DN chậm thanh toán, rơi vào 11 lô trái phiếu, trong đó nhiều DN bất động sản, như Bất động sản Gia Phú, Xây dựng Hưng Phát, Đất xanh Miền Nam.

Đáng lo ngại là không ít DN có dư nợ trái phiếu lớn tiếp tục làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị âm nặng, đứng trước nguy cơ dừng hoạt động. Như Công ty CP Signo Land cho biết đã lỗ sau thuế gần 163 tỷ đồng trong năm 2022, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 138 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022. Dù dư nợ trái phiếu của công ty đã giảm 22% trong năm 2022, nhưng hiện vẫn còn gần 1.062 tỷ đồng và sẽ đáo hạn vào ngày 30/6/2023 tới.

-5878-1685070594.jpg

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Revital Việt Nam sau khi lỗ gần 157 tỷ đồng trong năm 2021, năm 2022 tiếp tục báo lỗ hơn 193 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2022 chỉ còn 9,4 tỷ đồng, trong khi dư nợ trái phiếu vẫn còn 1.155 tỷ đồng. Đáng chú ý, thông tin về đăng ký DN cho thấy công ty đang làm thủ tục giải thể, còn thông tin từ Tổng cục Thuế cũng cho thấy DN này đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. 

Sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về thị trường trái phiếu được Chính phủ ban hành, cho phép kéo dài thời gian đáo hạn tối đa hai năm, thị trường cũng đã ghi nhận một số hoạt động cơ cấu lại nợ, triển khai theo quy định mới. Tuy nhiên, số DN đủ điều kiện và năng lực đàm phán tái cơ cấu nợ với nhà đầu tư và nhận được sự chấp thuận là không nhiều, do niềm tin của nhà đầu tư đã sụt giảm nghiêm trọng. 

Với lượng TPDN đáo hạn trong năm nay lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tập trung cao điểm vào nửa cuối năm nay, trong khi lượng DN kinh doanh thua lỗ, chậm thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu ngày càng tăng, thị trường này được ví von như "bom nổ chậm". Trong tháng 5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 21.400 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng), hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng), nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng), ngân hàng (2.500 tỷ đồng)...

Nỗ lực lấy lại niềm tin

Dù vậy, cũng có không ít DN đã chủ động xoay xở dòng tiền và nỗ lực mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu đã phát hành trong thời gian qua, phần nào giảm bớt rủi ro và lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. Theo dữ liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4, có tổng cộng khoảng 13.400 tỷ đồng TPDN được mua lại trước hạn, qua đó nâng giá trị mua lại lũy kế từ đầu năm tới nay lên 49.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. 

Có thể kể đến như Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án mua lại một phần trái phiếu SBTB2124001, phát hành ngày 26/1/2021, có kỳ hạn 36 tháng. Theo đó, giá mua lại gần 102.011 đồng/trái phiếu, tổng số trái phiếu dự kiến mua lại là 4,5 triệu với trị giá 459 tỷ đồng, theo tỷ lệ thực hiện 4,5/7 (người sở hữu 7 trái phiếu sẽ được quyền bán lại 4,5 trái phiếu). 

Một số DN khác cũng đã mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành, như Tổng công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc dự kiến mua lại theo mệnh giá là 7,5 triệu trái phiếu, tương đương giá 750 tỷ đồng, theo tỷ lệ thực hiện mua lại 2:1, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà mua lại 28 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mua lại trước hạn 10 tỷ đồng.

Cũng có không ít DN đã chủ động xoay xở dòng tiền và nỗ lực mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu đã phát hành trong thời gian qua, phần nào giảm bớt rủi ro và lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. 

Ở chiều ngược lại, việc phát hành trái phiếu mới của DN vẫn rất chậm, dù không ít kỳ vọng cho rằng kênh đầu tư này sẽ khởi sắc sau Nghị định 08 được ban hành từ tháng 3. Với Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành mới đây, các cơ quan quản lý cũng cho rằng sẽ góp phần gia tăng thanh khoản,tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh lãi suất thị trường đi xuống trong hơn hai tháng gần đây, lẽ ra đã hỗ trợ cho kênh đầu tư này và khuyến khích DN tích cực phát hành trái phiếu hơn trước. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tính đến cuối tháng 4, tổng khối lượng TPDN được phát hành trong năm chỉ gần 31.700 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành ra công chúng (5.500 tỷ đồng) chiếm 17% khối lượng phát hành và 15 đợt phát hành riêng lẻ (26.140 tỷ đồng) chiếm 83% khối lượng phát hành.  

Có lẽ với triển vọng nền kinh tế không mấy tích cực, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, đơn hàng thiếu hụt, nhiều DN không còn nhu cầu huy động vốn quá lớn như trước, nhất là khi hiện nay tài sản đảm bảo cũng không còn nhiều. Trong khi đó, phát hành trái phiếu mới để trả nợ cũ thì bị hạn chế, vì quy định phải sử dụng vốn đúng mục đích với phương án phát hành đã công bố.

Trước đây, các tổ chức phát hành trái phiếu nhiều nhất là ngân hàng và DN bất động sản, nhưng ngân hàng thì đang thừa vốn do chưa tăng trưởng tín dụng nhanh được, công ty bất động sản thì khó khăn, cũng như khó phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn khi niềm tin đã suy giảm. Kênh phân phối TPDN trước đây được thực hiện mạnh mẽ qua các công ty chứng khoán và ngân hàng cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn trước nhiều.

Ngân hàng Nhà nước  đã có văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh việc tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin TPDN. Theo đó, khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khách hàng hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư TPDN với việc gửi tiết kiệm, rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư (đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của DN phát hành, quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng. Các tổ chức tín dụng cũng không được gây áp lực đối với nhân viên trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng mua TPDN đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bom nổ chậm" từ trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO