Dự thảo đề xuất sẽ ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp); quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp duy trì nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính (nhưng chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP).
Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án. Phương án thứ nhất: ngưng thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đến hết 31/12/2023 và từ 1/1/2024 tiếp tục thực hiện quy định này. Phương án thứ 2: tiếp tục thực hiện quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo Nghị định 65.
Dự thảo sửa đổi NĐ 65 nếu được thông qua sẽ góp phần gỡ khó cho TPDN |
Sau khi nhận ý kiến góp ý từ nhiều bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ đều đồng ý về phương án thứ nhất. Bởi nó nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép. Bộ Tài chính vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình (tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, những quy định do Bộ Tài chính đề xuất được nhanh chóng có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực bất động sản và cả nền kinh tế. “Hiện nay, nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua TPDN riêng lẻ. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tạo điều kiện để nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần có giải pháp vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Thịnh kiến nghị.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, Bộ Tài chính nêu ra hàng loạt thay đổi. Tên dự thảo mới do Bộ Tài chính đề xuất “Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế”. Trước đó, Bộ Tài chính đặt tên Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP.