Xu hướng

Bắt trend để kinh doanh, tưởng “hot” mà “lạnh”

Thảo Minh 27/12/2023 09:00

Giữa tháng 11/2023, khi đoạn viral kinh doanh “mì tôm thanh long” phủ sóng khắp nơi, cùng hình ảnh nhà sản xuất, đại lý kinh doanh mặt hàng mì thanh long đang nhận đơn hàng dồn dập, đã tạo thành một trend (xu hướng) kinh doanh mới trên thị trường.

banh-dong-xu.jpg

Ngay sau khi bị mì tôm thanh long soán ngôi thì trà chanh giã tay đang là xu hướng “hot trend” liền bị thất sủng, rơi vào vòng xoáy thoái trào tương tự như cà phê muối, bánh đồng xu phô mai Hàn Quốc…

Điều đáng nói là khi thấy bánh đồng xu, cà phê muối, trà chanh giã tay… “rần rần” trên mạng xã hội, nhiều người đã đua nhau cùng kinh doanh. Chia sẻ trên một trang báo điện tử, NVL - một startup cho biết, anh đã chi hơn 10 triệu đồng mua nguyên liệu, thiết kế bảng hiệu, xe bán hàng lưu động… rồi thuê thêm mặt bằng nhỏ trên đường Trường Chinh, Q.12, để kinh doanh cà phê muối với hy vọng, mức độ phủ sóng của cà phê muối, chỉ gần 2 tháng sẽ lấy lại vốn và sau đó sinh lãi. Thời gian đầu, NVL cho biết, doanh thu trung bình gần 700.000 đồng/ngày. Nhưng đến tháng thứ hai, số lượng bán được chỉ dừng ở gần 20 ly/ngày và sau đó ế ẩm kéo dài nên buộc phải trả mặt bằng, thanh lý xe đẩy với giá rẻ, còn những dụng cụ chế biến, nguyên liệu thì đem về nhà…

Trường hợp bánh đồng xu Hàn Quốc cũng vào vòng xoáy tương tự, xuất phát từ Hàn Quốc, bánh đồng xu phô mai cũng trở thành xu hướng tại Việt Nam từ khoảng tháng 9 năm nay. Trước cảnh khách hàng xếp hàng dài dằng dặc để mua bánh, nhiều người trẻ cũng tranh thủ mở quán kinh doanh bánh đồng xu phô mai, tuy nhiên từ con số bán mỗi ngày 2.000 chiếc bánh, giá 30 ngàn đồng/cái của một vài cửa hàng ban đầu, lợi nhuận thu về khá lớn thì làn sóng mua bánh đồng xu phô mai nhanh chóng tuột dốc còn 60 cái/ngày, khi có quá nhiều người cùng “đu trend”. Cùng đó sự tò mò thưởng thức món ăn mới của giới trẻ cũng nhanh chóng chuyển hướng sau khi dùng thử cũng chẳng thấy đáng giá 30 ngàn đồng/chiếc bánh nhỏ và không mấy lạ vị. Vì thế, có người đầu tư mua máy làm bánh cả trăm triệu chưa kịp thu hồi vốn đã trong cảnh ế ẩm.

Phân tích sự may rủi của kinh doanh theo trend, một số chuyên gia cho rằng, kinh doanh theo trào lưu đã nói lên tính nhạy bén, năng động và nắm bắt xu hướng kịp thời của những người trẻ. Họ biết tâm lý của người khác muốn gì, thích gì, cần gì, đang đổ xô tập trung vào trend nào… để từ đó chớp thời cơ, nắm lấy cơ hội, tận dụng trào lưu để kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, người kinh doanh cần hiểu rõ, các xu hướng trên thường mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo, gây ra sự tò mò mãnh liệt cho người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ. Cộng với sự lan tỏa của mạng xã hội đã khiến sản phẩm lan truyền nhanh, được giới trẻ háo hức đón nhận nhưng cũng dễ “sơm nở tối tàn”.

Theo các chuyên gia, xu hướng nào đó xuất hiện quá nhanh thì khả năng không nhỏ cũng tụt lại với tốc độ không kém. Do đó, cần có sự đầu tư và phát triển đúng đắn.

Muốn kinh doanh một sản phẩm đang được thị trường đón nhận, cần xem xét tính hấp dẫn của sản phẩm, sự cạnh tranh của thị trường. Khi một trend mới xuất hiện, sẽ có nhiều người nhảy vào, cạnh tranh cả lành mạnh lẫn không lành mạnh. Do đó, người đi đầu sẽ chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu, cần có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, phải tìm hiểu tâm lý tiêu dùng và sự thay đổi rất nhanh của thị hiếu người dùng để đầu tư vào chất lượng sản phẩm, có sản phẩm mới luôn khác biệt.

Trend thường chỉ phổ biến trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào độ “hot” của nó. Người kinh doanh là người cần có tầm nhìn để phán đoán xem liệu trend này có tồn tại được lâu hay không, có đem về lợi nhuận nhiều không và có giúp hình ảnh thương hiệu đến với nhiều người hơn không để cân nhắc và chọn sản phẩm đầu tư kinh doanh.

Những điểm tích cực của kinh doanh theo trend:
- Dễ bán hàng hơn ngay khi “trình làng” sản phẩm.
- Người trẻ kinh doanh nhanh chóng kiếm được khoản tiền không nhỏ so với số vốn chi ra ban đầu. Qua đó tích lũy được vốn để tiếp tục “bắt” những trend khác xuất hiện sau này nhằm tiếp tục kinh doanh.
- Dễ giúp những người chủ trẻ tăng độ nhận diện cho thương hiệu.
Rủi ro:

- Nguy cơ sụp đổ khi trend không còn, trào lưu kết thúc.
- Khi có quá nhiều thương hiệu cùng tên, “nhảy” vào để kinh doanh cùng một loại hình sản phẩm nên có tính cạnh tranh rất cao. Nếu chưa thu hút nhiều khách, dễ thất bại.
- Khi trend đã bão hòa thì không còn hút khách hàng,
và rơi vào cảnh ế ẩm.
- Kinh doanh theo trend có tính bất ổn định. Loại hình kinh doanh kiểu ấy có vòng đời ngắn, thiếu sự định hướng bền vững cho dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt trend để kinh doanh, tưởng “hot” mà “lạnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO