Chuyện làm ăn

Kinh doanh của nhiều “ông lớn” FDI tiếp tục giảm

Văn Phong 26/10/2023 17:00

Những năm qua, Việt Nam là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh quan trọng, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của Samsung trên thế giới, nhưng đầu năm 2023 đến nay, sự sụt giảm lượng điện thoại thông minh của Samsung sản xuất tại Việt Nam cũng như sự đi xuống của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc đang phủ bóng đen lên nền kinh tế.

fdi.jpg

Theo nghiên cứu từ Counterpoint Research công bố tháng 8/2023, sự sụt giảm của Samsung là nguyên nhân lớn nhất khiến tổng số điện thoại thông minh sản xuất tại Việt Nam đi xuống, ước tính ít hơn 23,1% trong quý I/2023 so với một năm trước đó.

Theo một số nguồn tin, trước tình hình kinh doanh điện thoại di động đi xuống, Chính phủ Việt Nam mong muốn Samsung xây dựng nhà máy bán dẫn tại địa phương, để tiết kiệm chi phí nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, Samsung chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Dẫu vậy, một nguồn tin khác trong ngành cho biết, Samsung không loại trừ khả năng sẽ xây dựng một nhà máy chất bán dẫn khi thông báo, chi nhánh của Samsung Electro-Mechanicalics đang chuẩn bị sản xuất một số bộ phận chip tại Việt Nam.

Tháng 12/2022, Samsung khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Cơ sở này sẽ tập trung vào những công nghệ phần mềm trên điện thoại di động, như xử lý thông tin và bảo mật.

Số liệu thống kê chính thức của Hàn Quốc cho thấy, xuất khẩu chất bán dẫn từ nước này đã giảm mạnh từ đầu năm 2023 tới nay. Đây là minh chứng rõ ràng về việc tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, đang gây tổn hại cho nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á. Ví dụ trong tháng 7, xuất khẩu chip của Hàn Quốc giảm 31,2%, trong khi xuất khẩu linh kiện điện tử giảm 22,7%.

Việt Nam đang cùng hơn 130 quốc gia khác phản đối “cuộc đua xuống đáy”, tức tranh giành nhà đầu tư thông qua mức thuế ngày càng thấp. Một thỏa thuận đã được đưa ra, với sự trung gian của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15%. Nhiều công ty cho biết, sẽ vận động hành lang để nhận thêm ưu đãi.

Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc chuỗi siêu thị AEON, trong một hội thảo mới đây cho biết, hiện tập đoàn có 8 công ty thành viên tại Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như mua sắm, bán lẻ, tài chính, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, lĩnh vực bán lẻ đang chịu tác động từ thực trạng kinh tế khó khăn, khiến sức mua giảm.

Các nhà phân tích cho rằng, hoạt động kinh doanh của Samsung hoặc AEON tại Việt Nam có thể tiếp tục đi xuống trong những tháng cuối năm 2023, do sức mua của thị trường yếu, cộng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ông Baik Gil-hyun - nhà phân tích tại Yuanta Securities nói: “Để thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, Samsung cần cắt giảm hàng tồn kho và chờ nền kinh tế khả quan. Điều đó có thể diễn ra vào đầu năm 2024”.

Nhiều năm qua, Samsung xem trọng sự gắn kết với Việt Nam. Công ty mong tận dụng các thế mạnh của quốc gia Đông Nam Á, lương và chi phí hợp lý, ổn định chính trị cùng lực lượng lao động có tay nghề.

Counterpoint cho biết, Samsung thống trị ngành sản xuất máy tính và linh kiện điện tử ở Việt Nam. Các đối tác trong chuỗi cung ứng của Samsung, cũng trở thành bên đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Ngoài điện thoại thông minh, ở Việt Nam, Samsung còn sản xuất thiết bị gia dụng và linh kiện cho gã khổng lồ công nghệ Apple.

Việt Nam đang hy vọng có thể tận dụng các khoản đầu tư từ Samsung, để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, chính phủ đang gặp khó trong việc nhận được các kỹ năng, công nghệ và hệ sinh thái cung ứng cần thiết, để thực hiện bước nhảy vọt đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh của nhiều “ông lớn” FDI tiếp tục giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO