Quốc tế

Bất đồng trong G20, giúp Nga dễ vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế?

NP 02/03/2024 14:00

Theo một số phân tích, từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, sự chia rẽ trong G20 đã giúp Nga duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, nhờ đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ cùng các đối tác thân thiện khác.

Tổng sản phẩm quốc nội trên thực tế của Nga đã tăng 3,6% vào năm 2023. Tháng 1/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của xứ bạch dương lên 2,6%, so với dự báo trung bình chỉ tăng 1% của khối G7.

feeds.abplive.com-onecms-images-uploaded-images-2023-09-09-_72cc4998bb08cd44fc05a835a96e2b2e1694247422251272_original.png
Bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, nhiều thành viên G20 tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga - Ảnh: ABP

Thương mại của Nga đặc biệt tăng cao với các thành viên trong nhóm BRICS, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Trong một tuyên bố chung nhân kỷ niệm 2 năm ngày nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, G7 bày tỏ quan ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc bán sang Nga vật liệu - linh kiện lưỡng dụng, dùng trong công nghiệp quốc phòng lẫn dân sự.

Ở bên kia, giá trị nhập khẩu từ Nga của Nhật Bản, Mỹ, EU và Anh đã giảm khoảng 70%, tương đương 184,1 tỷ USD, từ năm 2021 đến 2023. Trong lúc đó, giá trị nhập khẩu từ Nga của các thành viên BRICS cộng với Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, tăng thêm 124,4 tỷ USD.

Giá trị nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ, quốc gia duy trì quan điểm trung lập trước các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, đã tăng gấp 7 lần. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 60% và nhập khẩu của chủ tịch G20 hiện tại là Brazil tăng khoảng 80%. Tất cả đều có thể coi là mức cao kỷ lục.

Tháng 12/2022, G7 và nhiều nước khác đưa ra biện pháp nhằm hạn chế giá dầu thô của Nga, áp mức trần 60 USD/thùng.

Có những lo ngại rằng, nếu một lượng dầu thô nhất định của Nga không được đưa ra thị trường, giá cao có thể thúc đẩy lạm phát. Sự bất ổn về nguồn cung, cũng dễ trở thành cơn gió ngược đối với kinh tế các nước đang phát triển.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, doanh thu từ thuế dầu mỏ của Nga đã giảm 40% trong thời gian từ tháng một đến tháng 9/2023.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp G20 ở Sao Paulo mới đây: “Từ khi áp trần với giá dầu của Nga, các quốc gia mới nổi được hưởng lợi bởi sự ổn định và giá cả thấp hơn. Sự ổn định này cũng phải trả giá, vì một số nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.”

Theo nhiều chuyên gia, mạng lưới trừng phạt Nga được các nước phương Tây thiết lập, dường như đã thất bại. Mặc dù các ngân hàng lớn của Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhưng Gazprombank - một kênh thanh toán quan trọng cho ngành năng lượng, vẫn nằm trong hệ thống.

Gazprombank tiếp tục hoạt động, như một trung tâm thanh toán mua bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các nguồn tài nguyên xuất khẩu khác.

Trung Quốc đã mở rộng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, nhằm thúc đẩy thương mại với Nga. Reuters đưa tin vào năm 2023 rằng, Ấn Độ đang đàm phán với Nga về một hiệp định thương mại tự do.

Theo nhiều chuyên gia, rủi ro lớn nhất đối với sự thống nhất của phương Tây hiện nay, là chính trị Hoa Kỳ. Trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024, Quốc hội đang bế tắc về việc viện trợ cho Ukraine, khi các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn thân cận với cựu Tổng thống Donald Trump, phản đối một thỏa thuận nếu không tăng cường an ninh ở biên giới Mỹ - Mexico.

Bà Janet Yellen nói tiếp trong cuộc họp G20 gần đây: “Hạ viện bây giờ phải hành động, để duy trì hỗ trợ ngân sách cho Ukraine, nhằm tạo điều kiện giúp nước này tiếp tục cuộc chiến.”

Thời gian qua, GDP của G7 đã giảm xuống còn 40% thế giới. BRICS chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu, dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao trong tương lai, khi có 5 quốc gia mới gia nhập trong năm nay. Với việc G20 không thể đạt được sự đồng thuận, hiệu quả các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thời gian qua, được cho rất hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất đồng trong G20, giúp Nga dễ vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO