Vì sao 2 năm trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây không thành công?
Khi cuộc chiến Ukraine bước sang năm thứ 3, các nhà lập pháp tại Washington đang tranh cãi về việc có nên gửi tiếp viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu hay không. Nhưng trên mặt trận kinh tế, đưa ra lệnh trừng phạt chống lại Nga, có vẻ cả Quốc hội lẫn Chính phủ Mỹ đều đoàn kết. Tuy nhiên 2 năm qua, vì sao điều này chưa hiệu quả?
Sau khi lãnh đạo đối lập Nga Navalny qua đời trong nhà tù, Hoa Kỳ công bố sẽ sớm giới thiệu thêm nhiều lệnh trừng phạt mới lên Moscow. Ngày 21/2, EU cũng nhất trí về gói trừng phạt thứ 12 lên Nga, trong đó có trừng phạt cả công ty từ Trung Quốc và Ấn Độ, vì giúp đỡ cỗ máy chiến tranh của Nga. Dẫu vậy có ý kiến cho rằng, trừng phạt kinh tế không phải là cách hiệu quả để giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Từ tháng 2/2022, Mỹ, châu Âu và đồng minh cùng nhau triển khai các biện pháp trừng phạt nhắm đến hơn 16.500 thực thể của Nga. Họ tìm nhiều cách để hạn chế doanh thu từ hoạt động bán dầu của Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm sang Nga, đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga và ngắt nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu (SWIFT).
Mục đích là sử dụng ảnh hưởng của phương Tây đối với hệ thống tài chính - thương mại thế giới, để ngăn chặn Nga sở hữu công nghệ lẫn nguồn tiền, nhằm duy trì bộ máy chiến tranh. Các biện pháp trừng phạt nhiều chưa từng có. Không ít người dự đoán, xứ bạch dương sẽ gặp khủng hoảng thậm chí xuất hiện đảo chính.
Thực tế lại diễn ra rất khác. Kinh tế Nga kiên cường hơn và nỗ lực trừng phạt ít tác động hơn so với mong đợi. Khi chiến tranh bắt đầu, IMF dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 10% từ 2021 đến 2023. Nhưng tháng 10/2023, IMF nói kinh tế Nga có thể tăng trưởng nhẹ. Chiến tranh cũng cho thấy, các dòng chảy tài chính và thương mại toàn cầu có những con đường riêng để vượt qua rào cản.
Năm 2022, khoảng 60% dầu thô Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu của châu Âu. Sau khi G7 áp đặt mức giá trần 60 USD/1 thùng, Nga có 1 đội tàu vận chuyển dầu nằm ngoài tầm kiểm soát của phương Tây. Nhiều dầu của Nga đang được giao dịch ở Dubai và Hồng Kông, thay vì Geneva. Thậm chí phương Tây còn phải mua các chế phẩm từ dầu thô Nga được sản xuất tại Ấn Độ với giá cao.
Nhiều công ty Nga đã bị phương Tây đưa vào danh sách đen. Nhưng phần lớn dân số thế giới sống ở các quốc gia từ chối thực thi lệnh trừng phạt. Ngay cả khi xuất khẩu từ EU sang Nga sụt giảm, các quốc gia như Armenia, Kazakhstan, Gruzia hay Kyrgyzstan, đã nhập khẩu từ EU nhiều hơn, sau đó bí mật cung cấp cho Nga.
Tất cả điều này giải thích tại sao Mỹ và châu Âu đang chuyển sang biện pháp trừng phạt thứ cấp. Nhưng lại gặp một vấn đề khác: mặc dù chúng có tác dụng nhưng không ít rủi ro và không dễ thực hiện. Về lâu dài, trừng phạt thứ cấp làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ với hệ thống tài chính toàn cầu. Ví dụ ngày càng nhiều quốc gia muốn bớt lệ thuộc vào đồng USD.
Lần đầu tiên vào năm 2023, thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc được thực hiện bằng nhân dân tệ nhiều hơn bằng USD. Giao dịch quốc tế bằng đồng rúp của Nga, dirham của UAE hay rupee của Ấn Độ cũng đang gia tăng.
Ngay cả những người bạn trung thành nhất của Mỹ ở châu Âu, cũng không hài lòng với biện pháp trừng phạt thứ cấp. Đôi khi để thực thi, Mỹ có thể gây ra sự gián đoạn tài chính ở những nơi như Ấn Độ, Indonesia hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Không quốc gia nào trong số này muốn các công ty của mình bị trừng phạt.
Với các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels, trừng phạt kinh tế có sức hấp dẫn. Vào thời điểm mà sự ủng hộ dành cho việc tài trợ Ukraine đang suy yếu, trừng phạt kinh tế dường như là cách dễ nhất làm suy yếu Nga và bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, 2 năm vừa qua cho thấy, suy nghĩ đó đã trở nên phi thực tế.