Bất động sản mới: Cần sự đột phá để tháo gỡ vướng mắc pháp lý

Ngọc Quỳnh| 13/05/2022 06:00

Pháp luật là nút thắt lớn nhất đang kìm hãm thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt đối với phân khúc BĐS mới (condotel, officetel...), cần tháo gỡ kịp thời để thị trường hồi phục nhanh sau đại dịch, phát triển bền vững.

bai1-bds-3-1866-1652155684.jpg

Đánh giá về phát triển thị trường BĐS trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tại các diễn đàn về phát triển BĐS vùng duyên hải Bắc Bộ và Hải Phòng mới đây, hầu hết diễn giả đều nhận định, tác động của hồi phục kinh tế đang mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực BĐS hồi phục và phát triển nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì chưa bao giờ các doanh nghiệp BĐS lại phải đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay. Ngoài các tác động của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS vẫn đang còn gặp nhiều vướng mắc do cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, nhất là vấn đề pháp lý cho các loại hình BĐS mới như BĐS nghỉ dưỡng, du lịch, condotel, officetel...

Một ví dụ điển hình vướng mắc pháp lý đối với sản phẩm BĐS mới là tại dự án "Tổ hợp công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở và nhà trẻ Starcity Center (Cầu Giấy, Hà Nội)", hàng nghìn căn hộ officetel đã được xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng đến nay không có sổ căn hộ. Trong khi đó, hầu hết chủ sở hữu đều đã hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Nhiều chủ sở hữu rất bức xúc cho rằng, chủ đầu tư dự án này lừa người dân vì khi chào bán căn hộ officetel hứa hẹn là sẽ có giấy chứng nhận (sổ hồng) kịp thời sau bàn giao và sử dụng. 

Đại diện chủ đầu tư cho biết, tháng 8/2019, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, đề nghị tiếp nhận và thẩm định cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ officetel đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Hồ sơ được tiếp nhận, gần một năm sau (ngày 21/5/2020) chủ đầu tư đã phải bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Văn phòng Đăng ký đất đai, dự kiến thời gian hoàn tất thẩm định quý II/2021.

Tuy nhiên, cho đến nay (đã hết quý I/2022), việc cấp sổ căn hộ cho dân vẫn chưa có động thái gì mới. Lý giải với người dân, phía chủ đầu tư thông tin là cơ quan chức năng cho biết, đây là loại hình BĐS mới chưa có các quy định pháp lý cụ thể nên không thể cấp sổ cho các chủ sở hữu.

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, hệ thống luật pháp đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm các vướng mắc của thị trường BĐS, nhất là đối với các loại hình BĐS mới, khiến cho hoạt động của phân khúc thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI cho rằng, pháp lý là quan trọng nhất đối với BĐS, nhưng cũng là vấn đề phức tạp nhất, vướng mắc lớn nhất, là rào cản kìm hãm thị trường BĐS hiện nay. Các sản phẩm BĐS mới như condotel, officetel... đã xuất hiện trên thị trường, có sản phẩm đã xuất hiện từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn không có pháp lý khiến cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ sở hữu căn hộ thực hiện các giao dịch hết sức khó khăn. Trong quá trình góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung các bộ luật có liên quan như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai..., các chuyên gia, doanh nghiệp đã kiến nghị xử lý nhiều lần, nhưng vẫn chưa được tháo gỡ, ông Đức cho biết.

Theo Luật sư Đức, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các loại hình BĐS mới là vấn đề cấp bách cho thị trường BĐS phát triển hiện nay. Ông Đức kiến nghị, trong chương trình, kế hoạch xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh năm 2022-2023, Quốc hội, Chính phủ, các bộ có liên quan cần quan tâm kịp thời, thậm chí cần có sự đột phá để tháo gỡ vướng mắc pháp lý giúp cho thị trường BĐS hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19, phát triển thị trường BĐS bền vững và cạnh tranh lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản mới: Cần sự đột phá để tháo gỡ vướng mắc pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO