Kịch bản thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10, nguồn cung căn hộ chào bán mới trong cả năm nay sẽ đạt khoảng 13.000 căn ở TP.HCM và 17.000 căn ở Hà Nội, giảm lần lượt là 29% và 5% so với năm 2020. Giá chào bán bình quân toàn thị trường dự kiến tăng khoảng 5% so với cùng kỳ.
Kịch bản thứ hai, việc kiểm soát dịch bệnh phải kéo dài đến cuối năm nay, lượng căn hộ bán ra chỉ còn khoảng 8.400 căn tại TP.HCM và 14.500 căn tại Hà Nội, giảm lần lượt là 54% và 19% so với năm trước. Giá nhà chung cư bình quân toàn thị trường bán dự kiến tăng khoảng 4%.
Giám đốc cấp cao CBRE đánh giá, nhiều khả năng nguồn cung căn hộ cuối năm chỉ bằng một phần tư đến một phần năm những giai đoạn hoàng kim của thị trường nhà ở. Tuy cung giảm, lực cầu của thị trường có thể bị ảnh hưởng khi người mua nhà để ở lẫn đầu tư đều sẽ cân nhắc thận trọng do gặp khó khăn tài chính trong đợt dịch lần 4.
Theo bà Dung, trước đại dịch, thị trường căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi năm có khoảng 30.000-32.000 căn hộ chào bán mới, có năm vọt lên đến 35.000 căn. Giai đoạn thấp điểm của thị trường trước khi đại dịch bùng phát, nguồn cung mới cũng dao động ở mức 20.000-25.000 căn.
Với cả hai kịch bản trên, dù dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10 hay diễn biến khó lường và kéo dài đến cuối năm 2021, giá bán nhà trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) vẫn tăng 4-5% so với cùng kỳ. Dự báo khả năng tăng giá nhà của CBRE thận trọng hơn so với nhiều đơn vị khảo sát khác.
Cụ thể, dữ liệu thị trường căn hộ trực tuyến do Công ty PropertyGuru Việt Nam công bố đến tháng 8/2021, giá chào bán nhà chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tăng 8-9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Savills cho biết tại TP.HCM có khoảng 40% số lượng dự án sơ cấp có giá bán leo thang trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng nguồn cung tăng giá khá nhỏ so với tổng rổ hàng. Đơn vị này cũng xác nhận trong đợt dịch lần thứ tư, thị trường nhà chung cư TP.HCM ghi nhận mức tăng giá trên 10% ở một số dự án chung cư trung cấp và bình dân.