Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, chiếm khoảng 48,7% diện tích đất trồng lúa cả nước, dân số gần 18 triệu người (chiếm khoảng 12% diện tích đất và 22% dân số cả nước).
Hằng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.
Sản lượng lúa tại ĐBSCL tăng chủ yếu do tăng năng suất từ ứng dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư khá đồng bộ và năng lực, trình độ canh tác của nông dân được nâng lên.
Tuy vậy, ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL còn nhiều hạn chế, như quy mô của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi trình độ công nghệ còn thấp. Công tác nghiên cứu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Tình trạng tranh mua tranh bán giữa doanh nghiệp với nhau vẫn còn diễn ra. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân. Đặc biệt trong những năm gần đây, ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu.
TS. Văn Phạm Đăng Trí - Phó trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: "Tình trạng chặt phá rừng, xây dựng thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông làm thay đổi điều kiện về nước, thay đổi lượng bùn cát, thay đổi đặc tính lòng sông. Biến đổi khí hậu đang xảy ra, nguy cơ về xâm nhập mặn và ngập lũ ngày càng cao.
Thách thức về môi trường hiện nay ở ĐBSCL bao gồm ô nhiễm nước thành thị, nông thôn, tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn, vấn đề ngập lũ. Với những thách thức trên, vùng ĐBSCL cần có chính sách và các biện pháp kỹ thuật để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu".
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Sánh - nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà cả doanh nghiệp. Theo đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiệt hại của nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo bao gồm yếu tố nhiệt độ (nắng nóng, khô hạn), lũ, ngập úng, mưa dầm trái vụ, xâm nhập mặn, lốc xoáy, bão.
Các yếu tố ấy làm tăng chi phí chống dịch hại, tăng chi phí bơm tưới, tăng chi phí bảo dưỡng đê, chi phí bơm nước, chất lượng lúa bị giảm, tăng chi phí thu hoạch. Do xâm nhập mặn, năng suất, sản lượng lúa có thể bị giảm từ 30 - 50%. Cũng do tác động của biến đổi khí hậu, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chịu nhiều thiệt hại, như chậm tiến độ thu mua, tốn chi phí phơi sấy, bảo quản, chi phí nâng nền, chất lượng gạo giảm...
"Để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, nông dân, doanh nghiệp phải lựa chọn giống lúa phù hợp, ngắn ngày, khả năng chịu mặn tốt, sử dụng phân bón hữu cơ thay phân bón vô cơ, ứng dụng các quy trình công nghệ cao trong sản xuất; tăng liên kết chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển sản phẩm và lợi thế sinh thái qua liên kết vùng, tiểu vùng, tổ chức lại sản xuất phù hợp", PGS-TS. Nguyễn Văn Sánh nêu giải pháp.