Bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trong thời đại số
Tối 22/9, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP. Đà Lạt đã diễn ra sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số”.
Lần đầu tiên, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia, người tham dự được trải nghiệm ứng dụng hologram để hiểu về câu chuyện Mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày…
Người tham gia cùng nhau trao đổi về câu chuyện chuyển đổi số trong phát huy giá trị tài liệu lưu trữ thông qua tọa đàm với sự tham dự của các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ và công nghệ.
Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đến TP. Đà Lạt.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sự kiện là một trong các hoạt động của Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, hiện đang triển khai giai đoạn 2 (2021-2025).
Khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.619 tấm, được chia thành hơn 100 đầu sách là nguồn tư liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Với những giá trị mang lại, Mộc bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử, văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2009.