ASEAN hướng tới 2017: Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và giá trị chung

NHẬT ĐĂNG| 03/01/2017 04:43

Với vai trò ngày càng tăng trong cục diện thế giới, ASEAN đang đối mặt với thách thức giữ vững vị thế từ giá trị của sự đoàn kết, chia sẻ tầm nhìn, trong lúc giải quyết các vấn đề riêng biệt của từng thành viên.

ASEAN hướng tới 2017: Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và giá trị chung

Với vai trò ngày càng tăng trong cục diện thế giới, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với thách thức giữ vững vị thế của mình từ giá trị của sự đoàn kết, chia sẻ tầm nhìn, trong lúc cũng giải quyết các vấn đề riêng biệt của từng thành viên.

Đọc E-paper

Cuối tháng 11/2016, một Bộ trưởng của Malaysia gây chú ý khi kêu gọi ASEAN cân nhắc lại tư cách thành viên của Myanmar. Mọi chuyện bắt nguồn từ những căng thẳng dẫn đến giao tranh giữa quân đội Myanmar với người Rohingya - cộng đồng dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở khu vực Rakhine của nước này. Hàng ngàn người Rohingya đã chạy khỏi Rakhine qua biên giới Myanmar - Bangladesh, trong khi một số khác đến Malaysia hoặc Indonesia, theo AFP

Dưới áp lực ngoại giao, cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, vào giữa tháng 12 phải kêu gọi một cuộc họp khẩn các nước ASEAN để giải quyết vấn đề người Rohingya.

Biển Đông tiếp tục phủ bóng năm 2016

Năm 2016 đánh dấu cột mốc đầu tiên ASEAN bắt đầu như một cộng đồng với ba trụ cột gồm: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC). Thế nhưng, câu chuyện về Myanmar kể trên chỉ là một trong số rất nhiều biến động, thách thức ASEAN phải đối mặt trong năm.

Rất nhiều sự thay đổi về thượng tầng, tình hình thế giới và khu vực đã diễn ra, trong đó ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ giữa ASEAN với phần còn lại và chính các thành viên ASEAN với nhau. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định câu chuyện về Biển Đông vẫn là chủ đề chi phối nhiều nhất.

Về mặt chính quyền, năm 2016 chứng kiến các nước như Lào, Philippines, Myanmar... thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ những cuộc bầu cử. Đáng chú ý, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là người nổi bật không chỉ trong nước, mà liên quan tới chính sách của Philippines về Biển Đông.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” do Trung Quốc đặt ra nhằm mục tiêu chiếm trọn gần hết Biển Đông - khu vực có kim ngạch thương mại 5.000 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ông Duterte đã không thúc giục Bắc Kinh chấp nhận phán quyết, thay vào đó mở cửa cho một cuộc đàm phán song phương.

>>Sau phán quyết của PCA: Không khí thận trọng bao trùm

“Cuộc bầu cử Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines là sự kiện quan trọng nhất ảnh hưởng tới ASEAN trong năm 2016. Tổng thống Duterte chấm dứt hai năm quan hệ bấp bênh giữa Manila và Bắc Kinh và mở ra một khả năng thương thảo một dạng thỏa thuận tranh chấp hòa bình trên Biển Đông. Quyết định của ông Duterte về việc không thúc đẩy phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế, đi kèm với thái độ im lặng của nhiều bên tranh chấp khác, đồng nghĩa rào cản quan hệ cốt yếu giữa ASEAN và Trung Quốc bị gỡ bỏ...”, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales (Úc) cho biết.

Trao đổi bên lề Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ V tại Hà Nội ngày 15/12, GS. Vũ Dương Ninh tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam nhận định rằng, ASEAN có hai bước tiến lớn trong năm 2016. Đầu tiên, ASEAN đặt bước chân đầu tiên vào tư thế một cộng đồng, đánh dấu bước chuyển rất quan trọng cho sự phát triển của khối.

Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane (Lào) cho ra một kết luận nhất trí giữa các thành viên, thể hiện sự liên kết mạnh mẽ giữa các thành viên, không bị tác động như trường hợp năm 2012 tại Campuchia. Tuy nhiên, yếu tố ngoại cảnh vẫn mang đến những trở ngại.

“Biển Đông vẫn là vấn đề chủ yếu tác động đến ASEAN năm 2016, trong đó việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo, đá ở các khu vực tranh chấp... ngược lại, Philippines tưởng như có lợi thế từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, nhưng với tân Tổng thống Duterte, ông có một sự tiếp cận khác, theo hướng xoa dịu quan hệ với Trung Quốc...”, GS. Vũ Dương Ninh nói.

Có thể thấy, biểu hiện khá rõ ràng cho thách thức về khái niệm Cộng đồng ASEAN cũng là vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, các nước đã không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế xung quanh vụ kiện của Philippines. Trước đó, báo chí quốc tế cũng nhắc tới khái niệm “chia rẽ” như ý đồ của Trung Quốc nhằm vào ASEAN thông qua tuyên bố về “thỏa thuận bốn điểm” nước này đồng ý với Lào, Brunei và Campuchia, khẳng định không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Thách thức 2017

Những diễn biến của năm 2016 là tiền đề cho cơ hội và thách thức của ASEAN khi bước vào năm 2017, năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 ASEAN thành lập. Cộng đồng ASEAN có thể nhìn thấy thời cơ trong việc nhấn mạnh vai trò của mình giữa cục diện thế giới mới, đồng thời sẽ đối diện nhiều vấn đề cốt lõi ảnh hưởng cũng như đòi hỏi đến tính gắn kết của họ.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 28/12, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định Philippines sẽ tiếp tục đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN. Năm 2017 là năm Philippines giữ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, và Manila cũng cho rằng sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình thúc đẩy các hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu.

“Vấn đề Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm có thể được khơi lên bởi bất kỳ thành viên ASEAN nào, theo tuyên bố chung mà chúng tôi đã đưa ra. Các vấn đề trên có thể được đề cập và chúng tôi sẽ thảo luận về nó”, Nikkei dẫn lời ông Yasay.

Philippines là ví dụ điển hình cho những gì các nước ASEAN dự kiến đối mặt trong năm 2017. Một mặt, ASEAN sẽ thu hút sự chú ý lớn trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á. Một mặt, các quốc gia ASEAN phải cân bằng được lợi ích cốt lõi của từng nước đối với lợi ích chung từ một khối ASEAN thống nhất, bền vững.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện chính sách “xoay trục” về châu Á, thể hiện qua công cụ địa chính trị như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ việc ông Donald Trump chính thức thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

“Thách thức lớn nhất đối với ASEAN vào năm 2017 sẽ là việc ứng phó với chính quyền mới của ông Donald Trump. Đầu tiên là chính sách khó đoán của ông Trump. Thứ hai, giữ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á nhằm cân bằng với Trung Quốc, trong thời điểm chính quyền Philippines của ông Duterte đang có phần đi ngược lại, muốn tách khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ”, GS. Thayer nhận xét.

>>GS. Mỹ: Ông Trump sẽ duy trì chính sách "xoay trục châu Á"

Tuy nhiên, sức hút của ASEAN là điều không thể phủ nhận. Trong tham luận tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Vũng Tàu tháng 11/2015, ông Anton Tsvetov - Chuyên gia của Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) vạch ra “chiến lược và cơ hội tham gia tích cực của Nga vào tình hình Biển Đông”, cho rằng sự tham gia của Nga không gây nhiều chú ý, song nó sẽ đóng góp vào sự hiện diện toàn cầu và cân bằng hóa trong khu vực này.

Trong bài viết cho tạp chí học thuật Contemporary Southeast Asia, do Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak đăng tải hồi tháng 4, ông Tsvetov cũng nhận định rằng sau Crimea, Đông Nam Á nằm trong chính sách ngoại giao của Nga.

Bên cạnh Nga và Mỹ, GS. Vũ Dương Ninh nhận định rằng ASEAN đặc biệt đang nhận sự “tán tỉnh” từ phía Trung Quốc. Ông nói: “Sau Philippines, cũng có những động thái nhân nhượng từ Malaysia (đối với Trung Quốc), chủ yếu khai thác vấn đề kinh tế, đầu tư. Cái khó của Việt Nam và một số nước ASEAN có thể lấy ví dụ từ việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, vì chúng ta chưa biết được ông Trump thực sự sẽ làm gì, cũng như quan hệ, lập trường của các nước lớn vẫn còn mù mờ trong lúc này, Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh kinh tế để thu hút các nước ASEAN”.

Cần tiếng nói chung trên cơ sở tôn trọng lợi ích

“Thế nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên bất ngờ về chuyện đó, vì đấy là quy luật của quan hệ quốc tế. Trong quan hệ quốc tế, nước nào cũng tính toán dựa trên lợi ích của mình, thay vì giữ khái niệm “chung thủy”. Trước đây chúng ta có tư duy đòi hỏi sự chung thủy, nhưng trường hợp ông Trump là minh chứng rõ nhất cho những bất ngờ ở lĩnh vực quan hệ quốc tế... Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần giữ vững lợi ích quốc gia, bằng cách tranh thủ sự hợp tác sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, tranh thủ quan hệ với các nước lớn, không chỉ Trung Quốc và Mỹ mà còn là Nhật Bản, Nga. Sự cân bằng này thiết lập bằng một lối nhìn đa diện, vốn sẽ giúp Việt Nam ứng phó với mọi biến động toàn cầu”, GS. Vũ Dương Ninh nói thêm.

Điểm thứ hai theo ông Vũ Dương Ninh, Việt Nam cần rất chú trọng duy trì mối quan hệ trong ASEAN, vì dù có điều gì thay đổi, “ASEAN vẫn là tổ chức không thể thiếu được”. Gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đặc biệt tận dụng thời cơ hội nhập và thúc đẩy kinh tế. Tính đến năm 2016, Việt Nam đã nằm trong nhóm 6 nền kinh tế phát triển mạnh nhất ASEAN và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong những quyết định chung của ASEAN.

Cũng tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ V, tác giả Li Chunxia từ Đại học Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) khẳng định Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận với các quốc gia Đông Nam Á thông qua chính sách đối ngoại.

Học giả Trung Quốc cho rằng từ sau Chiến tranh lạnh, Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với cục diện mới, điều chỉnh chiến lược hòa nhập với các nước láng giềng và xem ASEAN là một trong những sự lựa chọn quan trọng nhất sau khi giai đoạn ưu tiên cho công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong việc thúc đẩy kinh tế ở kỷ nguyên mới, Việt Nam tham gia hàng loạt các cam kết về kinh tế với ASEAN song song việc gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO).

Tác giả kết luận rằng vì có thể chia sẻ những lợi ích chung với ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường vai trò và sự tham gia của mình trong ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và chính trị.

Theo GS. Thayer, 6 trong số 10 thành viên ASEAN là Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines trong năm 2017 vẫn sẽ tập trung sự ưu tiên cho tình hình trong nước, bao gồm việc ổn định chính trị. Vì vậy, vấn đề bên ngoài ảnh hưởng chung tới khối như Biển Đông sẽ diễn biến chậm, dù ASEAN vẫn tiếp tục chú trọng Biển Đông và ứng phó với Trung Quốc bằng luật quốc tế, quy tắc ứng xử trên biển. 

Trong một ASEAN tồn tại những lợi ích chung đan xen với lợi ích quốc gia của mỗi thành viên, việc cân bằng giữa hai yếu tố này không phải chuyện đơn giản.

Theo TS. Lê Hồng Hiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, trụ sở Singapore), ASEAN cần phân biệt rõ ràng hai loại vấn đề. Đầu tiên là những vấn đề ảnh hưởng rõ ràng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự chủ trong nước của bất kỳ thành viên nào. Loại thứ hai là những vấn đề có ảnh hưởng rõ ràng đến hòa bình và an ninh trong khu vực. Đối với loại vấn đề thứ nhất, các nước cần giải pháp dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Với vấn đề thứ hai, cần bỏ phiếu đại đa số, nhằm ngăn chặn không để một nước thành viên chống lại lợi ích của 9 thành viên còn lại, gây hại tới hòa bình, an ninh khu vực. Đây cũng là cách xử lý được GS. Thayer ủng hộ.

Nói cách khác, nhiều ý kiến từ Việt Nam cho thấy trong một chừng mực nào đó, ASEAN cần phải vượt qua những trở ngại trong cách vận hành, đưa ra quyết định của mình. Tuy nhiên cách xử lý này vẫn ưu tiên tính công bằng, phải thể hiện sự gắn kết và tôn trọng lợi ích quốc gia lẫn nhau.

>>Quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc bàn về DOC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ASEAN hướng tới 2017: Cân bằng giữa lợi ích quốc gia và giá trị chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO