Còn một lý do khác để tôi viết. Đó là từ lâu, sở thích ăn vặt đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn. Văn hóa ăn vặt vỉa hè của Việt Nam là những thứ đồ ăn thơm ngon độc đáo, từ bánh mì patê, các món xôi phục vụ nhanh gọn, cho tới những món phải tìm tới tận nơi như các loại bún, cháo, phở... Không những thế, rất nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch đều bị thu hút bởi các quán ăn vỉa hè. Không ít tờ báo nước ngoài xem đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt mà hiếm nơi nào trên thế giới có được.
Khi bắt tay thực hiện cuốn sách này, tôi không hề làm bài toán kinh tế như một người kinh doanh. Tôi chỉ đơn giản muốn lưu lại những hình ảnh, thông tin thú vị về người bán, xuất xứ của một món ăn hay câu chuyện thân thương ẩn đằng sau những món ngon dân dã. Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người muốn được chia sẻ một góc trái tim mình, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, phút giây ta được nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ như tôi.
Mà đúng vậy! Từ một diễn viên nổi tiếng đến nhà thiết kế thành danh hay doanh nhân thành đạt, đều có những chia sẻ thú vị xoay quanh những món ăn yêu thích. Nhiều bạn bè đã nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi thực hiện cuốn sách này, nhà phát hành mua 2/3 số lượng in (1.500 cuốn), có lẽ một phần vì họ biết tôi không đặt mục tiêu thương mại với cuốn sách.
Hoạt động trong ngành truyền thông nhiều năm, đi du lịch qua rất nhiều nước trên thế giới, thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, vậy mà mỗi lần đi qua Hồ Con Rùa, tôi chỉ thèm được ngồi và ăn lại món há cảo đã gắn bó với thời con gái của mình cách đây hơn 20 năm. Tôi nhớ cái không khí nhộn nhịp vào mỗi buổi tối, người lớn lại dắt tụi nhỏ chúng tôi ra đây chơi đùa, chạy nhảy, ăn uống và đi dạo quanh hồ. Hình ảnh đó hiện lên trong tôi như một bức tranh tuyệt mỹ, hoàn hảo, thân thương và gần gũi, như thể mình đã tìm lại được chính mình sau những tháng ngày bị cuốn trôi vào dòng đời tấp nập.
Khi chia sẻ suy nghĩ của mình với các đồng nghiệp, bạn bè, tôi thật sự xúc động vì hầu hết mọi người đều có sự đồng cảm với mình.
Có chị Việt Kiều, mỗi lần đi xa về kiểu gì cũng phải đi bộ vài lần qua các con phố quen, dừng chân tại góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur để mua một gói xôi bắp có hành phi giòn tan của hai mẹ con bà cụ đã ngồi đây trên 60 năm. Rồi thi thoảng cô lại chạy đến con hẻm trên đường Vườn Chuối để ăn lại của hai mẹ con bà cụ người Bắc di cư, vì không hiểu sao đi chân trời góc bể nào, cứ thèm ăn bánh cuốn lại nhớ đến bánh cuốn trong con hẻm này. "Ăn để nhớ!".
Tôi vô cùng ngạc nhiên với những người bạn nước ngoài sinh sống và làm việc trên đất Sài Gòn nhiều năm, họ "sành ăn" còn hơn tôi tưởng tượng. Họ chỉ cho tôi những quán ốc nằm trong những con hẻm nhỏ, những quán phở lâu năm hay tiệm bánh mì lề đường ngon. Có nơi chỉ bán vào buổi chiều trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ, đến muộn là hết.
Tôi cũng được nghe kể về những nhà nghiên cứu ẩm thực, nhà sưu tầm cổ ngoạn. Họ không chỉ sành ăn, họ còn là một pho kiến thức về lịch sử ăn vặt Sài Gòn. Được nghe các vị kể chuyện, chúng ta như được bơi trong biển hồ kiến thức, được dẫn dắt qua những câu chuyện chân thực, ly kỳ và được chỉ điểm những nơi có thể hóa thành di sản...
Tôi nghĩ, trong mỗi con người chúng ta đều có những món "ăn để nhớ" và những mảnh ký ức về một nét văn hóa ẩm thực Sài Gòn được ghép lại bằng hình ảnh và câu chuyện; tất cả được thể hiện chân thật và sống động qua từng trang sách. Chắc hẳn ai trong chúng ta khi đọc cuốn sách này cũng sẽ gợi nhớ về tuổi thơ cùng những món ăn gắn liền với ký ức.
Mong muốn của tôi khi viết cuốn sách Ăn vặt Sài Gòn là giúp bạn tìm thấy nhiều câu chuyện của nhiều thế hệ người Sài Gòn, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Những mảnh ký ức về một nét văn hóa ẩm thực Sài Gòn được ghép lại bằng hình ảnh và câu chuyện, tất cả được thể hiện chân thật, sống động, hy vọng sẽ trở thành kỷ niệm về Sài Gòn một thời...
Ăn vặt Sài Gòn cũng sẽ là một nét văn hóa tồn tại vĩnh viễn, không bao giờ mất đi theo thời gian, hoàn cảnh, sẽ mãi là niềm vui chung của tất cả những ai đã, đang và sẽ thích ăn vặt. Dù bạn có là ai, bạn có thể đi đến rất nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, nhưng những món ăn của quê hương vẫn không thể thay thế được, vẫn phải quay về để tìm lại đúng hương vị đặc trưng nơi quê nhà.
Tôi mong qua cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện về nguồn gốc của từng món ăn gắn liền với nhiều thế hệ người Sài Gòn. Với họ, có những món ăn và nơi chốn trong cuốn sách này đã gắn liền với thời tuổi trẻ, với biết bao hoài niệm.
(*) Giám đốc Công ty Chu Thị