Theo báo cáo Thị trường BĐS TP.HCM quý III/2022 của Savills, ở thị trường căn hộ, nguồn cung sơ cấp là 6.600 căn, giảm 51% theo quý nhưng tăng 120% theo năm. Trong đó, TP.Thủ Đức và quận 1 có nguồn cung lớn nhất. Hàng tồn kho chiếm khoảng 66% nguồn cung sơ cấp với 4.400 căn. Lượng giao dịch giảm 89% theo quý, xuống còn hơn 990 căn và tỷ lệ hấp thụ đạt mức 15%, thấp nhất kể từ năm 2019. Trong đó, các dự án mới chỉ có tỷ lệ hấp thụ là 35%, chủ yếu do giá cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên thị trường căn hộ TP.HCM có 60% nguồn cung mới đạt hơn 11 tỷ đồng/căn với giá mở bán trung bình là 124 triệu đồng/m2. Đối với những dự án đã ra mắt trên thị trường, giá bán của các giai đoạn tiếp theo cũng tăng 10%.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường Savills TP.HCM, giá bán sơ cấp tăng khiến lượng giao dịch giảm, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường. Mặt khác, giá căn hộ tăng và tiến độ xây dựng khó lường trên thị trường sơ cấp đã làm tăng sức hút đối với thị trường thứ cấp.
Đối với căn hộ thứ cấp, giá cả thường phải chăng hơn so với căn hộ sơ cấp, hơn nữa, sau khi mua, khách hàng có thể vào ở ngay. Tuy nhiên, việc trả toàn bộ giá trị căn hộ mà không được hỗ trợ bởi các đòn bẩy tài chính là một thách thức đối với người mua.
Biểu đồ tình hình hoạt động thị trường căn hộ TP.HCM trong quý III/2022 |
Trong quý III/2022, giá căn hộ thứ cấp giảm ở quận 1, 3 và TP.Thủ Đức nhưng lại tăng mức thấp ở các quận khác. Điều này cho thấy chủ nhà và nhà đầu tư đã hạ thấp lợi nhuận đầu tư kỳ vọng của họ và có cơ hội cho những người tìm mua BĐS.
Theo các chuyên gia của Savills, việc tăng lãi suất vào cuối quý III/2022 và dòng vốn tín dụng hạn chế sẽ thách thức các chủ đầu tư và người mua. Ngoài ra, khả năng áp thuế đối với người mua có nhiều BĐS có thể góp phần giảm thiểu tình trạng đầu cơ.
Bên cạnh những thách thức, Việt Nam vẫn có những yếu tố tích cực giúp các chủ đầu tư có thể mong đợi vào thị trường BĐS trong tương lai. Theo đó, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn cao bởi sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động tốt trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, với GDP dự báo tăng 6,7% vào năm 2022 và 6,9% vào năm 2023. Chín tháng đầu năm 2022, FDI đổ vào BĐS chiếm 19% dòng vốn FDI với 3,5 tỷ USD, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có cái nhìn lạc quan vào nền kinh tế Việt Nam.