Xuất phát từ ý tưởng của Pete Frates, cầu thủ bóng chày đại học Boston, những người chấp nhận thách thức Ice Bucket sẽ dội xô nước đá lạnh lên đầu và quyên góp tiền vào quỹ ALS hoặc thách thức 3 người bạn của mình thực hiện thử thách này.
Ice Bucket Challenge ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu về bệnh ALS (amyotrophic lateral sclerosis) - căn bệnh gây thoái hóa các tế bào thần kinh trong não và tủy sống đồng thời khiến cơ bắp trên khắp cơ thể teo lại, giảm chức năng vận động, mất kiểm soát, tê liệt và tử vong. Căn bệnh này hiện vẫn chưa có cách chữa trị.
Trong 2 tháng qua, chiến dịch này đã đạt được một điều mà tất thảy mọi chiến dịch marketing đều thèm muốn: lan tỏa và thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên thế giới, trong đó có cả Bill Gates, Sheryl Sandberg, Mark Zuckerberg, Kobe Bryant, Oprah...
Gabrielle Boko, Phó giám đốc điều hành marketing Công ty Sage North America đã nghiên cứu về chiến dịch này và đưa ra 6 bài học dành cho những người mới khởi nghiệp lẫn chuyên gia marketing trong việc xây dựng các chiến dịch cộng đồng.
1. Đơn giản hóa mục tiêu
Mục tiêu của Ice Bucket Challenge là nâng cao nhận thức và gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu của ALS. Mục tiêu này đơn giản, rõ ràng. Thử thách đưa ra cũng không đòi hỏi nhiều nỗ lực của người tham dự: họ chỉ việc quyên góp trực tuyến hoặc đổ nước đá lên đầu hoặc cả hai.
Khách hàng ngày nay thích những thông điệp trực tiếp và đơn giản. Họ là tuýp người không dành thời gian để đọc cả một bài viết dài, những thư thông báo hoặc vào website để tìm hiểu về thông điệp. Vì vậy điều đầu tiên các chiến dịch marketing cần có là đơn giản và đơn giản.
2. Tạo sự vui vẻ
Yếu tố hài hước thể hiện rất rõ trong thử thách khi mọi người xem cảnh người khác đổ nước đá lên đầu, rùng mình, la hét hoặc có những biểu hiện rất tự nhiên. Vì vậy, website của chiến dịch tràn ngập những video và hình ảnh vui nhộn của những người thực hiện thử thách trên toàn thế giới.
Mọi người thích cười, vì vậy hãy luôn nhớ tạo sự vui vẻ cho khách hàng của mình. Đồng thời, nếu bạn kết nối yếu tố hài hước với tinh thần nhân văn thì bạn sẽ gia tăng được sự gắn kết giữa công ty và khách hàng theo hướng tích cực.
3. Giới hạn thời gian
Những cá nhân bị thách thức tham gia thử thách ALS đều chỉ có 24 giờ để thực hiện Ice Bucket Challenge.
Nếu bạn muốn ý tưởng của mình bùng nổ thì hãy rút ngắn thời gian trì hoãn thực hiện của khách hàng. Đặt ra những giới hạn về thời gian là một cách để thúc đẩy khách hàng thực hiện.
4. Tạo hiệu ứng cấp số nhân
Thử thách của ALS kêu gọi người tham gia thách thức 3 bạn bè khác của mình thực hiện hành động. Điều này tạo ra hiệu ứng phép nhân trên diện rộng.
Khi có thể, hãy tạo cơ hội để khách hàng tham gia vào chiến dịch của bạn được gắn kết với bạn bè trong mạng lưới của họ. Đây là yếu tố cần tiết để gia tăng nhanh chóng độ phủ của thương hiệu công ty.
5. Dễ chia sẻ
Những tin tức của ALS Ice Bucket Challenge được chia sẻ trên rất nhiều mạng xã hội khác nhau bao gồm cả Facebook, Twitter, Instagram và YouTube.
Nếu bạn đang hy vọng một ý tưởng hoặc chiến dịch truyền thông sẽ lan tỏa mạnh thì hãy tạo ra các hoạt động có thể dễ dàng chia sẻ trên tất cả những mạng xã hội hiện có.
6. Mục tiêu mang tính nhân văn
Mọi người đều mong muốn được đóng góp cho các hoạt động xã hội. Chiến dịch Ice Bucket Challenge gây quỹ cho y khoa, vì vậy bất kể đóng góp bao nhiêu, người tham gia cũng có được cảm giác dễ chịu là họ đang giúp những người đang thực sự cần thiết.
Thiết lập một mục tiêu nhân văn tương tự sẽ giúp người tham dự gắn kết những cảm xúc với tổ chức và mở ra cơ hội để bạn có thể giao tiếp sâu hơn với khách hàng.
>Marketing xã hội: Những chữ P mới
>Những "công cụ quyền lực" của marketing
>5 sai lầm cần tránh trong email marketing