Xung đột văn hóa sẽ xảy ra ở Qatar khi "bữa tiệc" World Cup bắt đầu?

Anh Mi| 19/11/2022 07:00

Trên tài khoản Instagram của các người mẫu và các ngôi sao thời trang vào tháng trước, Vương quốc Hồi giáo Qatar trông giống như một bữa tiệc lấp lánh.

Xung đột văn hóa sẽ xảy ra ở Qatar khi

Thủ tướng Qatar - Khalid Bin Khalifa Bin Abdulaziz Al Thani (trái) nhận quà từ Chủ tịch FIFA - Gianni Infantino, trong đại hội FIFA tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Doha ở Doha, Qatar, ngày 31/3/2022 - Ảnh Hassan Ammar/AP

Những nhà thiết kế giày cao gót đã có mặt tại các buổi khai mạc triển lãm và trình diễn thời trang ở trung tâm thành phố Doha. Những người nổi tiếng, bao gồm cả một nhà vận động quyền của người đồng tính, đã selfie trên sàn nhảy sôi động. "As-salaam ’alykum Doha!", đó là tiếng chào theo kiểu người Hồi giáo của người mẫu Hà Lan Marpessa Hennink trên Instagram.

Người dân Qatar lập tức bùng nổ sự tức giận. Họ đã lên mạng để trút giận về điều mà họ gọi là sự "ăn chơi" sa đọa, cho rằng điều đó đe dọa các giá trị truyền thống của Qatar trước thềm FIFA World Cup 2022. Những hashtag bằng tiếng Ả Rập với nội dung "Ngừng hủy hoại các giá trị của chúng ta" đã lan truyền trên mạng trong nhiều ngày.

Khi Qatar chuẩn bị chào đón những đám đông ồn ào tham dự World Cup đầu tiên ở Trung Đông, có vẻ như sự khác biệt văn hóa giữa các fan hâm mộ cuồng nhiệt World Cup trên thế giới và người dân Hồi giáo Qatar đang trở thành sự xung đột ở một tiểu vương quốc Hồi giáo bảo thủ hạn chế rượu, cấm ma túy và hạn chế tự do ngôn luận!

-9126-1668780105.jpg

Mọi người chụp ảnh với đồng hồ đếm ngược chính thức của FIFA World Cup trên lối đi dạo ở Doha, thủ đô Qatar, ngày 14/10/2022 -Ảnh Nariman El-Mofty/AP

Lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở một nước Hồi giáo Trung Đông

Qatar, một quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh Ba Tư từng là một cảng khai thác ngọc trai đầy bụi, đã thay đổi với tốc độ gần như chóng mặt thành một trung tâm hiện đại sau sự bùng nổ khí đốt tự nhiên hồi những năm 1990. Người nước ngoài - bao gồm các chuyên gia tư vấn và kỹ sư phương Tây, công nhân xây dựng và người dọn dẹp Nam Á được trả lương thấp... đã đổ vào nước này làm việc, thậm chí còn đông hơn số dân địa phương. 

Những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép, những khách sạn sang trọng và những trung tâm thương mại đồ sộ nhanh chóng mọc lên trên sa mạc. Trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế vốn chỉ dựa trên carbon (carbon-based economy), hoàng gia Qatar đã mua cổ phần trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính và công nghệ toàn cầu đến câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint-Germain và cả bất động sản ở London.

Em gái của Tiểu vương cầm quyền Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani - là công chúa Sheikha Al Mayassa Hamad bin Khalifa Al Thani, hiện là một trong những nhà sưu tập tranh lớn nhất thế giới. Mẹ của tiểu vương - bà Sheikha Mozah bint Nasser Al-Missned đã trở thành một biểu tượng thời trang toàn cầu và chủ sở hữu Qatar Luxury Group, bao gồm một số thương hiệu xa xỉ toàn cầu như Valentino,

Nhưng ngay cả khi Qatar, một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo đầu người, hướng về phương Tây để tìm cảm hứng, thì họ cũng đang phải đối mặt với áp lực từ bên trong để trung thành với di sản Hồi giáo và nguồn gốc Bedouin của mình. Gia tộc hùng mạnh nhất của Qatar bắt nguồn từ lục địa không giáp biển của bán đảo Ả Rập, nơi tôn giáo Hồi giáo Sunni bảo thủ được gọi là Wahhabism ra đời.

-7197-1668780105.jpg

Với tầm nhìn bao quát ra đường chân trời, những chiếc ô tô đang tìm chỗ đậu trước trung tâm mua sắm sang trọng Al Hazm ở Doha, Qatar, ngày 24/4/2019 - Ảnh Kamran Jebreili/AP

Các nhà cai trị tại Vương quốc Qatar đã phải chọn cách đứng giữa việc xoa dịu các công dân và các bộ tộc bảo thủ của mình, bên cạnh việc củng cố "quyền lực mềm" với tư cách là nhà đầu tư chính trên thị trường thế giới.  

"Diễn ngôn tôn giáo của hoàng gia đối với công dân của mình rất khác với diễn ngôn tự do của họ đối với phương Tây," Mohammed al-Kuwari (38 tuổi, dân Qatar) cho biết. Anh nói thêm: "Diễn ngôn đó không phải lúc nào cũng thành công ở cả hai phía". 

Tâm điểm chú ý của cả thế giới là World Cup, một giải đấu đòi hỏi Qatar nới lỏng việc uống rượu, tạo niềm vui cho người hâm mộ và tuân thủ các quy tắc thúc đẩy lòng khoan dung và hòa nhập của FIFA sẽ làm tăng độ rủi ro cho xã hội.

Trong những năm trước, World Cup đã biến các nước chủ nhà thành "bữa tiệc" lớn nhất thế giới, với những đám đông vui vẻ uống rượu say và cùng nhau ăn mừng. Khi cảm xúc dâng trào, người hâm mộ có thể phấn khích quá đà, hoặc thô lỗ và bạo lực.

Điều này sẽ làm rung chuyển Qatar yên tĩnh, nơi những hành vi như vậy là điều cấm kỵ và hầu như chưa từng xảy ra. Trong vương quốc Hồi giáo, thủ đô Doha không có "cuộc sống về đêm". Mặc dù Qatar phát triển nhanh chóng trong những năm qua, các dịch vụ giải trí tại Doha vẫn còn ít và không gian công cộng bị giới hạn. 

-9341-1668780105.jpg

Các gia đình người Qatar gặp nhau trong một sự kiện văn hóa tại quận Msheireb ở Doha, Qatar, ngày 6/5/2018 - Ảnh Kamran Jebreili/AP

Người dân Qatar lo sợ World Cup sẽ phá hủy những giá trị truyền thống của họ

Moheba Al Kheer - một công dân Qatar, bình luận về các nghệ sĩ tiên phong và người mẫu hào nhoáng đã hòa nhập vào xã hội Qatar hồi cuối tháng 10: "Tôn giáo và phong tục của chúng tôi cấm kiểu ăn mặc hở hang và có hành vi không đứng đắn, vì thế chúng tôi lo lắng khi nhìn thấy những kiểu người này là điều bình thường".

Chửi thề và có những cử chỉ xúc phạm, ăn mặc hở hang và hôn nhau ở nơi công cộng có thể bị truy tố ở Qatar. Xã hội Qatar cũng không chấp nhận những người thuộc cộng đồng LGBT, giống những nơi khác trong thế giới Ả Rập. Một viên chức an ninh cấp cao đã cảnh báo cờ cầu vồng (của cộng đồng LGBT) có thể bị tịch thu để bảo vệ người hâm mộ khỏi bị tấn công vì cổ vũ quyền của người đồng tính.

Sự lo lắng của người hâm mộ hiện rõ trong các bản tin Reddit gần đây: "Làm sao chính phủ biết được ai đó là người đồng tính?"; "Mặc quần short có bị cấm không (Tôi có bị bắt không)?"; "Có đúng là những người nói những điều tiêu cực về Qatar trên mạng xã hội sẽ bị bắt không?".

Một số khán giả nước ngoài còn băn khoăn về cách Qatar sẽ xử lý đám côn đồ say xỉn trên đường phố như thế nào, căn cứ vào luật lệ nơi công cộng của quốc gia và những giới hạn nghiêm ngặt về việc mua và uống rượu.

Các nhà tổ chức World Cup cho biết tất cả khán giả đều được chào đón trong suốt giải đấu. Hiện tại, người nước ngoài đông hơn công dân Qatar, với tỷ lệ 10:1. Một số người Qatar có tư tưởng tự do và cởi mở dễ hòa nhập với người nước ngoài tỏ ra vui mừng về giải đấu. Nhưng các nhóm nhân quyền hiện đã nêu lên điều họ lo ngại về cách cảnh sát sẽ đối phó với những hành vi vi phạm luật Hồi giáo của khán giả nước ngoài như hình sự hóa tình trạng say xỉn nơi công cộng, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Đồng thời, những người Qatar bảo thủ băn khoăn về việc xã hội của họ có thể bị "bẻ cong" đến mức nào để phục vụ các vị khách và khán giả tham dự World Cup. Trong dịp này. Doha có kế hoạch tổ chức các lễ hội âm nhạc điện tử khổng lồ. Các nhà chức trách cho biết họ sẽ "nhắm mắt làm ngơ" trước những hành vi phạm tội như say xỉn nơi công cộng, chỉ can thiệp khi có hành vi phá hoại tài sản và đe dọa đến an toàn công cộng.

-7189-1668780105.jpg

Một ca sĩ đang trình diễn tại "The Irish Pub", một trong những quán bar chiếu các trận đấu của World Cup 2022 trên màn hình trực tiếp ở Doha, Qatar, ngày 20/10/2022 - Ảnh Nariman El-Mofty/AP

"Tôi hy vọng rằng World Cup sẽ không tước bỏ tôn giáo, đạo đức và phong tục của xã hội" một người đàn ông Qatar 28 tuổi trả lời phóng viên AP với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù.

Anh ấy nói rằng đã tìm thấy niềm an ủi trong một lời hứa từ Hội đồng Shura - bao gồm 45 vị cố vấn của đất nước - vào tháng trước rằng chính phủ sẽ "bảo đảm xây dựng một xã hội vững mạnh tuân thủ tôn giáo" và từ chối "bất kỳ hành vi thái quá nào" phá vỡ những điều cấm kỵ của địa phương.

Nhưng vì World Cup đáp ứng tầm nhìn phát triển đất nước của Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, các chuyên gia cho rằng số dân nhỏ bé của Qatar không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc chấp nhận bất cứ điều gì sẽ đến.

Qatar là một xã hội không có bất đồng chính kiến. Sự giàu có về dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tạo ra một "hợp đồng xã hội", trong đó mọi công dân Qatar được hưởng phúc lợi từ chính phủ từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời.

Andreas Krieg - Phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại King's College London, cho biết: "Nếu Qatar muốn có tên trên bản đồ thế giới, họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn và giá trị toàn cầu. Chính phủ Qatar sẽ giữ vững lập trường của mình về một số vấn đề nhất định và người dân sẽ tuân theo".

Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 (hay Cúp bóng đá thế giới 2022, tiếng Anh: 2022 FIFA World Cup) sẽ là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 được tổ chức ở Qatar. Vòng chung kết sẽ diễn ra với sự tham gia của 32 đội tuyển bóng đá quốc gia bao gồm cả đội chủ nhà Qatar.

Đây là kỳ World Cup thứ 2 được tổ chức tại châu Á (sau kỳ World Cup 2002 được tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc), và lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Trung Đông, thuộc Tây Á và thuộc vùng Thế giới Ả Rập. Đây cũng là World Cup cuối cùng có 32 đội tham dự, khi số đội góp mặt sẽ được tăng lên 48 vào World Cup 2026. 

World Cup 2022 sẽ diễn ra từ ngày 20 tháng 11. Trận chung kết diễn ra vào ngày 18 tháng 12 năm 2022, trùng với ngày độc lập của Qatar. Vòng chung kết giải chỉ diễn ra trong 29 ngày thay vì 32 ngày như các giải đấu trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xung đột văn hóa sẽ xảy ra ở Qatar khi "bữa tiệc" World Cup bắt đầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO