Xuất khẩu thủy sản vui... một nửa

Minh Khoa| 15/06/2021 09:00

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 5/2021, hầu hết doanh nghiệp (DN) trong ngành đã nhận đơn đặt hàng hết công suất nhà máy. Thậm chí có nhà nhập khẩu yêu cầu đơn hàng giao cho quý IV năm nay.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do uy tín Việt Nam tăng cao sau khi chống dịch thành công, cùng với chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn nên nhà nhập khẩu xem Việt Nam là địa chỉ tin cậy, có thể bù đắp nhu cầu đơn hàng cấp thiết ngay lúc này.

"Cả năm 2020 và 5 tháng đầu 2021, trong khi các quốc gia cung cấp thủy sản chủ lực cho Mỹ, EU có cạnh tranh trực tiếp là Ấn Độ, Thái Lan hay Bangladesh đang ảnh hưởng dịch Covid-19 rất nặng, nhà máy hoạt động cầm chừng thì công nhân ở Việt Nam vẫn làm việc bình thường, hàng hóa xuất khẩu đều đặn", ông Lĩnh phân tích và cho rằng đây là lợi thế không đối thủ nào có được. Năm nay, khi Mỹ, EU và nhiều quốc gia mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, nhà nhập khẩu lập tức tìm đến Việt Nam. 

thuysan-1-5919-1623307807.jpg

Nhu cầu đơn hàng tăng nên xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 2,49 tỷ USD, theo VASEP. Trong đó, thị trường Mỹ đã nhập khẩu gần nửa tỷ USD hàng thủy sản Việt Nam, tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm 19,5% tổng kim ngạch. Hàng loạt thị trường châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan, Canada hay châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang gia tăng nhập khẩu thủy sản, giúp các nhà máy chế biến tăng doanh số trong 4 tháng đầu 2021 và dự kiến cho cả năm nay.

Như Thuận Phước, quý I/2021 đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 35% so với cùng kỳ, thu về 33 triệu USD. Doanh số tháng 4 và tháng 5 tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Thuận Phước và hầu hết DN trong ngành lại không đi liền với hiệu quả. "Lợi nhuận của DN gần như không có", ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nói. Lý do là giá cước vận tải đã tăng gấp 8 lần so với cách nay hơn một năm. Chẳng hạn, cước vận tải container đi từ Việt Nam tới cảng Anh đầu năm 2020 là 1.600 USD/container 40 feet, đến tháng 12/2020 lên 5.000 USD và tháng 5/2021 tăng lên 9.100 USD. Đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container, tháng 12 cùng năm lên 4.000 USD và tháng 5/2021 vọt lên 8.000 USD. Chưa kể, từ đầu tháng 6 này các hãng tàu gửi thông báo tiếp tục tăng phụ phí vận tải mùa cao điểm thêm 150-450 USD mỗi container.

Cước vận tải tăng, đẩy tất cả nguyên liệu nhập khẩu phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng giá theo, như thức ăn (bột cá, đậu nành, bắp...), bao bì giấy, bao bì nhựa, hóa chất. "Dù doanh số xuất khẩu tăng đều đặn, nhưng từ quý IV/2020 đến quý I/2021 chúng tôi hầu như không có lãi do chi phí tăng thêm ăn hết lợi nhuận", ông Lĩnh nói. Đã thế, hơn một năm qua, đồng đô la Mỹ, bảng Anh, yên Nhật mất giá nhưng đồng tiền Việt thì giữ nguyên tỷ giá. DN Việt xuất hàng thu về đô la Mỹ, nhập khẩu hàng hóa bằng đồng nội tệ sẽ chịu thêm một thiệt thòi nữa

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta phân tích: "Chi phí đầu vào nuôi trồng, chế biến thủy sản tác động lên giá thành sản phẩm tăng trên 20%, còn 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu sản phẩm thủy sản chỉ tăng trung bình tối đa 10%. Đó là chưa tính phần tăng thêm của cước vận tải container, do đó DN dù vui khi có nhiều hợp đồng, nhiều việc làm cho công nhân nhưng niềm vui chỉ được một nửa, vì lợi nhuận không có, nhiều khi còn âm".

Để tránh tình trạng lợi nhuận âm, giải pháp yêu cầu nhà nhập khẩu chia sẻ cước tàu, tăng giá mua sản phẩm đang được DN áp dụng. Tuy nhiên, do sức mua ở Mỹ, EU và các thị trường khác vẫn chưa hồi phục. Người tiêu dùng sau hơn một năm mất việc làm, thu nhập giảm, phải hưởng trợ cấp nên cũng không thể chấp nhận mua giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu thủy sản vui... một nửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO