![]() |
Theo hãng viễn thông Ericsson, tới năm 2026, 60% dân số thế giới sẽ được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G, và số lượng người sử dụng mạng di động thế hệ mới này ước đạt 3,5 tỷ thuê bao. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Liu Liehong, đến đầu tháng 11/2020, MIIT đã xây xong sớm hơn 500.000 trạm thu phát sóng 5G, nâng tổng số trạm trên cả nước lên 690.000. Đồng thời, số lượng thiết bị được kết nối với mạng di động thế hệ mới đang hoạt động đã tăng lên 180 triệu.
"Cơ sở hạ tầng 5G liên tục phát triển đã thúc đẩy sự ra đời của một loạt các lĩnh vực. Chẳng hạn, mảng giáo dục đã xuất hiện mô hình dạy học từ xa qua 5G, trong đó cho phép truyền đi hình ảnh độ phân giải cao, dạy học qua kính thực tế ảo hoặc các lớp học mô phỏng không gian 3 chiều", ông Liu nói.
Cũng đưa ra dự báo tích cực về bức tranh 5G tại Trung Quốc, hãng viễn thông Ericsson (Thụy Điển) cho rằng, đến cuối năm 2020, đất nước tỷ dân sẽ chiếm 175 triệu trên tổng số 220 triệu người dùng đăng ký 5G toàn cầu.
"Con số chúng tôi ước tính dựa trên tốc độ tăng trưởng 5G cao hơn dự kiến tại Trung Quốc. Số lượng người sử dụng 5G của Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhờ vào trọng tâm chiến lược quốc gia, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ cũng như số lượng smartphone tích hợp 5G với mức giá phải chăng tăng lên nhanh chóng", báo cáo về thị trường di động tháng 11/2020 của Ericsson có đoạn viết.
Theo Ericsson, lượng người dùng đăng ký 5G mới tại nền kinh tế số hai thế giới đã chiếm 11% tổng số người dùng di động. Đây là mức tăng mạnh mẽ, trong bối cảnh Trung Quốc đang chạy đua với Mỹ để dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, 5G và IoT.
Dù vậy, con số do MIIT và Ericsson đưa ra vẫn chỉ là phần nhỏ, nếu so với mức 1,2 tỷ người đang sử dụng mạng 4G tại Trung Quốc ở thời điểm hiện nay.
Theo Chủ tịch bộ phận nghiên cứu của nhà mạng China Unicom Zhang Yunyong, để đạt mục tiêu phủ sóng 5G hoàn toàn trên cả nước, Trung Quốc sẽ cần khoảng 10 triệu trạm thu phát sóng 5G, với tổng nguồn vốn đầu tư cần thiết vào khoảng 2.000 tỷ CNY (280 tỷ USD).
![]() |
Tốc độ xây dựng hạ tầng 5G của Trung Quốc đang rất nhanh. Ảnh: AP |
Dự báo về tiến độ thực hiện mục tiêu nói trên, ông Wu Hequan - học giả tại Học viện Kỹ thuật Quốc gia Trung Quốc, cho rằng các nhà mạng tại đất nước tỷ dân nhiều khả năng sẽ xây dựng hơn 1 triệu trạm thu phát 5G mới vào năm sau, nâng tổng số lượng trạm thu phát 5G lên 1,7 triệu vào cuối năm 2021.
"Khi việc xây dựng hệ thống mạng 5G tăng tốc, chi phí xây dựng mỗi trạm thu phát sẽ giảm xuống. Thế nên, dù các nhà mạng Trung Quốc dành cùng một số tiền đầu tư cho 5G vào năm 2022 như trong năm 2021, họ vẫn có thể xây dựng nhiều trạm thu phát 5G hơn", ông Wu giải thích.
"Dù chúng ta sẽ phải chờ thông báo chính thức từ các hãng viễn thông để biết về mục tiêu xây dựng cụ thể, song tôi tin rằng, các nhà mạng Trung Quốc sẽ xây dựng được hơn 1 triệu trạm thu phát 5G trong năm tới”, ông nói thêm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ericsson, sẽ có hơn 1 tỷ người trên toàn cầu, tương đương 15% dân số thế giới, sống tại các khu vực có phủ sóng 5G từ cuối năm nay. "Đại dịch đã làm nổi bật vai trò của kết nối không dây đối với cuộc sống. Nó cũng đóng vai trò chất xúc tác cho việc thúc đẩy triển khai các công nghệ mới như 5G", Fredrik Jejdling - Phó chủ tịch Ericsson nhận xét.
Ngoài ra, hãng viễn thông này cũng cho rằng, tới năm 2026, 60% dân số thế giới sẽ được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G, và số lượng người sử dụng mạng di động thế hệ mới này ước đạt 3,5 tỷ thuê bao. Bắc Mỹ sẽ là khu vực phát triển nhanh tiếp theo sau Trung Quốc.