Phát hiện mới 'gây sốc' về SARS-CoV-2

Bảo Quân| 12/10/2020 06:00

Theo nghiên cứu của viện khoa học quốc gia Australia, SARS-CoV-2 - virus gây ra dịch Covid-19 có thể sống sót trên các bề mặt thường ít nhất gần 1 tháng.

Phát hiện mới 'gây sốc' về SARS-CoV-2

SARS-CoV-2 có khuynh hướng sống sót lâu hơn trên các bề mặt không xốp hoặc nhẵn, như thủy tinh, thép không gỉ và vinyl, so với các bề mặt xốp như bông.

Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí y khoa Virology, trích từ nghiên cứu mang tên The effect of temperature on persistence of SARS-CoV-2 on common surfaces (Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự tồn tại của SARS-CoV-2 trên các bề mặt thông thường), do nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO) thực hiện. 

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách làm khô virus trong chất nhầy nhân tạo trên các bề mặt khác nhau, ở mức độ tương tự như của người mắc bệnh, và sau đó phân lập lại virus trong hơn một tháng. Đồng thời, thí nghiệm cũng được thực hiện trong bóng tối, để loại bỏ hoàn toàn tác động của tia cực tím, khi nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng mặt trời trực tiếp có thể ức chế hoạt động của virus.

Theo đó, nhóm cho biết đã tiến hành nghiên cứu tại Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia (ACDP) ở thành phố cảng Geelong và phát hiện SARS-CoV-2 có thể:

Giọt bắn có chứa SARS-CoV-2 trong chất nhầy nhân tạo trên một phần nhỏ của tờ 5 AUD.

Giọt bắn có chứa SARS-CoV-2 trong chất nhầy nhân tạo trên một phần nhỏ của tờ 5 AUD.

- Tồn tại lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn

- Có khuynh hướng sống sót lâu hơn trên các bề mặt không xốp hoặc nhẵn, như thủy tinh, thép không gỉ và vinyl, so với các bề mặt xốp như bông

- Tồn tại lâu hơn trên tiền giấy so với tiền polymer

Theo Tiến sĩ Larry Marshall, người đứng đầu CSIRO, nghiên cứu về sự sống sót của virus được xây dựng dựa trên các công trình nghiên cứu khác liên quan đến Covid-19, bao gồm thử nghiệm vắc-xin, thử nghiệm nước thải, sản xuất và cấp chứng nhận thiết bị bảo hộ cá nhân… 

Đồng thời, xác định thời gian virus tồn tại trên các bề mặt sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn và ngăn chặn sự lây lan của nó.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Debbie Eagles - Phó giám đốc ACDP, "kết quả nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt trong một khoảng thời gian dài, qua đó củng cố sự cần thiết của các thói quen tốt như thường xuyên rửa tay và khử khuẩn bề mặt".

"Ở nhiệt độ 20 độ C, tương đương với nhiệt độ phòng, chúng tôi nhận thấy SARS-CoV-2 hoạt động cực kỳ mạnh mẽ và có thể sống sót đến 28 ngày trên các bề mặt trơn láng như mặt kính màn hình điện thoại và tiền polymer".

"Để so sánh, virus cúm A chỉ có thể tồn tại trên bề mặt 17 ngày trong điều kiện thí nghiệm tương tự, qua đó cho thấy mức độ chống chịu của SARS-CoV-2 là lớn như thế nào".

Tuy nhiên, khi nhiệt độ thí nghiệm tăng lên 30 độ C và 40 độ C, thời gian sống sót của virus cũng giảm dần.

"Dù vai trò chính xác của sự lây lan thông qua tiếp xúc bề mặt, mức độ tiếp xúc và số lượng virus cần thiết để đủ gây lây nhiễm vẫn chưa được xác định, song việc xác định thời gian virus tồn tại trên các bề mặt là rất cần thiết để có thể giúp xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro tại các khu vực tiếp xúc nhiều". Tiến sĩ Eagles.

Pha-t-hie-n-mo-i-ga-y-so-c-ve-9007-4563-

SARS-CoV-2 có thể sống sót bao lâu? Ở nhiệt độ 20 độ C, virus có thể sống sót ít nhất 28 ngày trên các bề mặt như thuỷ tinh, thép, vinyl, tiền giấy hoặc polyme; và tồn tại dưới 14 ngày trên bề mặt cotton. Nhưng, với cùng bề mặt, thời gian sống sót của virus lại giảm đáng kể khi nhiệt độ tăng lên. Ảnh: CSIRO.

Còn theo Giám đốc ACDP - Giáo sư Trevor Drew, nhiều virus vẫn tồn tại trên bề mặt bên ngoài vật chủ. "Việc chúng có thể tồn tại và lây nhiễm trong bao lâu tùy thuộc vào chủng loại virus, số lượng, bề mặt, điều kiện môi trường và cách chúng được phát tán lên bề mặt. Ví dụ, nguy cơ giữa người chạm vào so với giọt bắn khi ho là khác nhau", vị giáo sư nói.

"Protein và chất béo trong dịch cơ thể cũng có thể làm tăng đáng kể thời gian tồn tại của virus", ông Drew bổ sung. Do đó, nghiên cứu đến từ CSIRO sẽ giúp giải thích cách SARS-CoV-2 lây lan trong các cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh, từ đó giúp giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn.

Được biết, CSIRO đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Australia để thực hiện nghiên cứu, với sự hỗ trợ của Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển 5 Quốc gia (5RD), gồm đại diện từ Anh, Mỹ, Canada, New Zealand và Australia. Mỗi quốc gia đang tiến hành nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về khả năng sống sót của virus, và kết quả sẽ được chia sẻ khi tìm ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát hiện mới 'gây sốc' về SARS-CoV-2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO