Các nước hưởng lợi gì từ các gói hỗ trợ kinh tế?

Khả Hân| 25/08/2021 06:00

Với việc mở rộng chính sách tài khóa thông qua các gói chi tiêu mới ở những nước có nền kinh tế phát triển, kỳ vọng không chỉ tác động tích cực lên nền kinh tế của những quốc gia ấy mà còn giúp kinh tế nhiều nước khác cũng như kinh tế toàn cầu hưởng lợi theo. Dù vậy, áp lực ngân sách của những nước đang triển khai các gói hỗ trợ sẽ ngày càng gia tăng.

Mở rộng các gói chi tiêu công

Giữa tháng 8/2021, Thủ tướng Narendra Modi cho biết, Ấn Độ sẽ sớm tung ra kế hoạch đầu tư hạ tầng quốc gia trị giá 1.350 tỷ USD nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của quốc gia Nam Á này đã sụt giảm sâu, khiến các chuyên gia lo ngại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á sẽ không thể phục hồi như Mỹ và các nền kinh tế lớn khác. 

Bước đi của Ấn Độ tiếp nối gói chi tiêu công lên tới 1.000 tỷ USD của Mỹ đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhằm thúc đẩy năng suất trong nền kinh tế. Theo đó, gói chi tiêu này dự kiến chi 550 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các khoản đầu tư nâng cấp cầu, đường, sân bay, đường xe lửa, hạ tầng điện, nước sạch và Internet băng thông rộng.

bai-1-20210819-IMF-6317-1629797810.jpg

Gói 550 tỷ USD này dự kiến được Hạ viện Mỹ xem xét trong tháng 9 tới, cùng lúc với gói 3.500 tỷ USD chi cho an sinh xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Có thể nói, Mỹ luôn là quốc gia mạnh tay chi tiêu kích thích kinh tế vượt qua cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi các quốc gia không ngừng mở rộng các gói chi tiêu từ năm ngoái đến nay, những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ nhiều quốc gia. Đơn cử như IMF gần đây đã phê chuẩn sự phân bổ chung quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 456 tỷ SDR, tương đương 650 tỷ USD, nhằm bổ sung thanh khoản cho nền kinh tế thế giới. Sự phân bổ chung này có hiệu lực từ ngày 23/8/2021.

SDR là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được IMF tạo ra năm 1969 để bổ sung dự trữ ngoại hối của các nước thành viên. Những quốc gia nắm giữ SDR có thể đổi lấy những đồng tiền tự do sử dụng của các nước thành viên IMF trên thị trường tự nguyện mua bán, hoặc IMF có thể chỉ định các nước thành viên mua SDR của các nước thành viên khác.

Tác động lan tỏa

Với việc mở rộng chính sách tài khóa thông qua các gói chi tiêu mới ở những nước có nền kinh tế phát triển, kỳ vọng không chỉ tác động tích cực lên nền kinh tế của những quốc gia ấy mà còn giúp kinh tế nhiều nước khác cũng như kinh tế toàn cầu hưởng lợi theo. Dù vậy, áp lực ngân sách của những nước đang triển khai các gói hỗ trợ sẽ ngày càng gia tăng. Như Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính, những khoản chi trong gói chi tiêu mới sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm 256 tỷ USD trong thập niên tới, kèm theo đó là nợ công và lạm phát gia tăng, có thể tạo ra bất ổn không chỉ riêng Mỹ mà còn cho cả thế giới.

Lạm phát của Mỹ đã trên mức 5% trong ba tháng liên tiếp gần đây, cách xa mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng việc làm tạo ra của nền kinh tế số một thế giới cũng liên tục tăng trong những tháng gần đây, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Vì thế, không ít kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn và kéo dài hơn, nhất là cộng thêm lợi thế từ các chương trình tiêm chủng vaccine đang mở rộng tại quốc gia này.

Trong khi các quốc gia không ngừng mở rộng các gói chi tiêu từ năm ngoái đến nay, những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ nhiều quốc gia.

Việc Mỹ mạnh tay chi tiêu cũng sẽ khiến Anh, các nước liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đẩy nhanh các gói kích thích kinh tế đã được thông qua. EU dự kiến chi hơn 900 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế các thành viên. Trong khi đó, Anh đã chi hơn 400 tỷ USD trong năm đại dịch vừa rồi để hỗ trợ nền kinh tế, cam kết khoảng 91 tỷ USD nữa hỗ trợ khẩn cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh.

Như đã nói, những quốc gia khác cũng có thể hưởng lợi từ các gói chi tiêu kinh tế mới của Mỹ, Ấn Độ hay các nền kinh tế phát triển khác. Đơn giản là khi các nền kinh tế này tăng cường đầu tư thì nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu, vật liệu sẽ tăng theo, giúp các đối tác thương mại mở rộng xuất khẩu. 

Các gói chi tiêu để giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến những khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, xe điện trên toàn cầu đem lại lợi nhuận cao hơn. Thời gian qua, không ít nền kinh tế đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực kinh doanh này, thu hút dòng tiền rất lớn. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh mới này cũng leo cao.

Đối với gói phân bổ của IMF, giới phân tích chỉ ra rằng, những quốc gia nhận được nguồn thanh khoản mới này có điều kiện cải thiện các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia, đồng thời thị trường ngoại hối cũng giảm bớt áp lực. Đặc biệt, các nước cũng có thể sử dụng số tiền được phân bổ thêm này để trả nợ hay đảm bảo nghĩa vụ với các nước thành viên khác hoặc với IMF.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các nước hưởng lợi gì từ các gói hỗ trợ kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO