Vụ Baby Care: Việt Úc là nạn nhân?

MINH HÀO| 21/07/2015 04:56

Hàng loạt sản phẩm khăn ướt nhãn hiệu Babycare, Wondercare, Teen Care của Công ty Việt Úc đã bị các siêu thị đồng loạt rút khỏi kệ.

Vụ Baby Care: Việt Úc là nạn nhân?

Hàng loạt sản phẩm khăn ướt của Công ty CP TM - DV Quốc tế Việt Úc đã bị các siêu thị đồng loạt rút khỏi kệ. Trước đó, dư luận có nghi vấn công ty này đánh tráo nhãn thành hàng xuất xứ Trung Quốc song vẫn in hoặc dán đè mã vạch của Úc hoặc Việt Nam, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Để làm rõ các thông tin liên quan, chúng tôi đã có những trao đổi đầu tiên với đại diện của Công ty.

Đọc E-paper

Việt Úc bị đình chỉ lưu hành sản phẩm?

Ngày 16/7, ba hệ thống bán sỉ, lẻ là Metro, Big C, Co.opmart đã đưa toàn bộ khăn ướt nhãn hiệu Babycare, Wondercare, Teen Care của Công ty Việt Úc khỏi quầy kệ. Lý do là trên một số báo mạng lan truyền thông tin sản phẩm của công ty này kém chất lượng.

Thậm chí, một số trang mạng còn cho rằng hai loại mỹ phẩm Baby Care, gồm Baby Care Milk Bath và Baby Care Wash Head To Toe của Việt Úc bị Cục Quản lý Dược (Cục) đình chỉ lưu hành trên toàn quốc.

Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Quang Được, Giám đốc Công ty Việt Úc, cho rằng: "Việt Úc là nạn nhân của việc cạnh tranh không lành mạnh. Rất có thể, đây là âm mưu của đối thủ với mục đích bóp chết DN trong nước. Những thông tin mang tính võ đoán, suy diễn về công ty xuất hiện trên một số báo mạng là không chính xác, gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây rối loạn hệ thống phân phối của chúng tôi".

>>Chống hàng giả: Trách nhiệm chính phải từ doanh nghiệp

Ông Được khẳng định, Công ty Việt Úc có nhà máy sản xuất chứ không như các trang mạng đưa tin. Ngoài xưởng sản xuất nhỏ và cũng là kho chứa hàng trung chuyển tại KCN Tân Bình (TP.HCM) với diện tích 2.000m2, Công ty còn có nhà máy tại KCN Kim Huy (Bình Dương) với diện tích 7.000m2.

Theo ông Được, Công ty Việt Úc thành lập năm 2003 với sự góp vốn của các cổ đông Việt Nam và Công ty Richwell Import & Export Australia.

Thời điểm đó, khăn ướt là sản phẩm chưa phổ biến ở Việt Nam nên Việt Úc chủ yếu gia công sản phẩm xuất khẩu sang Úc. Cuối năm 2007, nhà máy bị cháy một phân xưởng và trong khoảng thời gian này, đối tác Úc rút vốn, chỉ còn 4 cổ đông Việt Nam.

Khi không còn đối tác nước ngoài, Công ty xác định thị trường trong nước là chủ lực nên đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Do năng lực sản xuất có hạn nên ngoài sản phẩm do nhà máy sản xuất, Việt Úc còn đặt hàng gia công sản phẩm từ Công ty Kleen-Pak ở Singapore.

Năm 2013, Việt Úc và Kleen-Pak liên doanh xây dựng nhà máy với vốn 3 triệu USD, hoạt động từ tháng 7/2014 tại KCN Kim Huy (Bình Dương).

Nhà máy được lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động, khép kín nhập khẩu từ châu Âu. Hiện tại, nhà máy mới vận hành giai đoạn 1 với 2 dây chuyền sản xuất (công suất một chuyền là 40.000 sản phẩm/ngày) và chuẩn bị đưa vào hoạt động dây chuyền thứ 3 vào tháng 8 tới.

Tháng 5 vừa qua, nhà máy đã nhận được chứng chỉ GMP (Good Manufacturing Practice) - tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt và đây là nhà máy sản xuất khăn ướt đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ này.

>>Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chống hàng giả yếu và thiếu

Ông Được khẳng định, thông tin các trang mạng cho rằng Việt Úc bị đình chỉ lưu hành sản phẩm Baby Care Milk Bath và Baby Care Wash Head To Toe là hoàn toàn sai sự thật.

Năm 2014, Công ty bắt đầu thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm đồng thời thay đổi công thức sản phẩm ưu việt hơn cho Baby Care. Để thực hiện việc này, Công ty đã thông báo cho Cục để cơ quan này thu hồi phiếu công bố cũ và cấp phiếu công bố mới cho Baby Care.

Đưa cho chúng tôi biên bản kiểm tra của Cục vào ngày 1/7/2015, ông Được nói: "Tất cả các sản phẩm Baby Care (dầu gội, sữa tắm, khăn ướt...) đang lưu thông trên thị trường tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế và an toàn cho người sử dụng. Khi không còn lưu hành sản phẩm cũ, chúng tôi có trách nhiệm thông báo với Cục để ngưng tất cả các sản phẩm cũ ngoài thị trường và thay vào đó là sản phẩm mới. Đây là hoạt động hết sức bình thường trong kinh doanh, thể hiện trách nhiệm của DN với cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Và Cục đã ra quyết định thu hồi sản phẩm cũ và cấp công bố cho sản phẩm mới. Thế nhưng, việc này cũng bị đối thủ đặt điều tung tin".

Dây chuyền sản xuất Baby Care tại KCN Kim Huy, Bình Dương

Thiệt hại nặng nề

Hiện tại, lượng hàng Baby Care bán qua kênh siêu thị chiếm đến 60% của Công ty. Trong đó, hàng phân phối qua kênh hiện đại chủ yếu qua Metro (19 trung tâm), Co.opmart (77 siêu thị, 90 cửa hàng, 2 trung tâm thương mại và một đại siêu thị), Big C (31 siêu thị). Khi ba hệ thống phân phối này đưa hàng xuống kệ thì ảnh hưởng kinh doanh của Việt Úc là khá lớn.

Ông Được cho biết, hiện tại, Công ty chưa thống kê được thiệt hại kinh tế khi Co.opmart, Big C, Metro tạm ngưng kinh doanh nhưng ảnh hưởng về uy tín thương hiệu là không nhỏ.

"Thương hiệu Baby Care đã được xây dựng 12 năm nay và việc cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ đã ảnh hưởng ghê gớm đến chúng tôi. Khách hàng không biết thực hư sự việc như thế nào, chỉ thấy nhà phân phối rút hàng thì sẽ nghĩ là hàng hóa của chúng tôi vi phạm gì đó”, ông Được than.

Cũng theo ông Được, hình ảnh mà báo mạng đăng tải hoàn toàn là những sản phẩm giả mà Việt Úc đau đầu mấy năm qua.

Việt Úc là DN làm ăn chân chính, chuyên nghiệp và đã có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội. Công ty cam kết cung cấp các sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt chất lượng cao, an toàn và tiện dụng đến người tiêu dùng.

>>Interpol truy quét hàng giả ở Việt Nam và Trung Quốc

Bằng chứng gần nhất là ngay khi có công văn 6577/QLD-MP của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) quy định về các chất sử dụng trong mỹ phẩm của ASEAN, Công ty đã gửi mẫu đến các trung tâm kiểm định có uy tín tại Việt Nam (Quatest, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương) để kiểm tra.

Công ty cũng đã gửi mẫu đến Tập đoàn SGS (Thụy Sỹ) kiểm định và đã được chứng nhận sản phẩm đạt 7 chỉ tiêu do Bộ Y tế quy định.

Chính hàng giả đã làm doanh số của Việt Úc giảm đến 70% trong những năm qua. "Hàng giả nhãn hiệu Baby Care bán đầy đường, đầy chợ nhưng chúng tôi không có cách nào giải quyết", ông Được bức xúc.

Hầu như trong các lần ra quân kiểm tra sản xuất khăn ướt, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) đều phát hiện hàng giả nhãn hiệu Baby Care.

Gần đây nhất, tháng 4/2015, Đội QLTT 4A và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã phát hiện một đường dây sản xuất khăn ướt giả nhãn hiệu Baby Catre, Teen Care quy mô lớn. Đứng đầu trong đường dây làm giả này là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Twin Lotus Việt Nam (173/4B An Dương Vương, P. An Lạc, Q. Bình Tân).

Hiện Công ty Việt Úc đã liên hệ cơ quan chức năng nhờ can thiệp và mong sớm chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giảm thiệt hại cho DN.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của Co.opmart, Co.opXtra, Sense City, Co.op Food) cho rằng, việc Saigon Co.op tạm ngưng kinh doanh sản phẩm Baby Care là để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sẽ kinh doanh trở lại sau khi có kết luận của cơ quan chức năng. "Đây là nguyên tắc kinh doanh của Saigon Co.op khi có bất kỳ thông tin phản ánh về sản phẩm", đại diện Saigon Co.op, cho biết.

>>Mạnh tay với hàng giả, hàng nhái: Đồng bộ từ Nhà nước đến doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vụ Baby Care: Việt Úc là nạn nhân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO