Việt Nam và Lào thảo luận sử dụng đồng tiền nội tệ trong thương mại và đầu tư
Việt Nam và Lào đang thảo luận về việc trao đổi sử dụng đồng nội tệ Kíp - VNĐ trong thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ngân hàng Nhà nước Lào và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trao đổi chuyên môn với chủ đề “Thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ giữa Lào và Việt Nam” nhằm hiện thực hóa việc sử dụng đồng nội tệ Kíp - VNĐ trong thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước, giúp ngăn ngừa các rủi ro từ bên ngoài.
Theo dữ liệu về thương mại và đầu tư, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Lào và hai bên đã hợp tác về thương mại và đầu tư từ rất lâu. Đây chính là cơ sở quan trọng để hợp tác thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ Kíp - VNĐ giữa hai nước thời gian tới.
Việc kiểm soát hệ thống thanh toán chung của cả hai nước sẽ do Công ty Mạng lưới thanh toán quốc gia Lào (LAPNet) và Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phụ trách.
Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để hai bên cùng nhau trao đổi ý kiến và tạo sự hiểu biết về công việc này.
Thông qua Hội thảo, hai bên đã giới thiệu Dự án kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới Việt Nam - Lào sử dụng mã QR, đồng thời cho biết, hiện hệ thống kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới Việt Nam - Lào sử dụng mã QR đang trong giai đoạn chuẩn bị và sẽ triển khai dự án giai đoạn 1 trong tháng 9 tới.
Các ngân hàng của phía Việt Nam tham gia dự án này bao gồm Vietinbank, Sacombank, BIDV, Vietcombank, TPBank, NamABank, SHB, BVBank và MBBank, trong khi phía Lào có 13 ngân hàng tham gia gồm BCEL, APB, BIC, JDB, LVB, STB, Vietinbank Lao, Phongsavanh Bank, Sacombank Lao, ACLEDA, MBBank Lao, MJBL và Indochina Bank.
Hiện các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Lào, đã chuyển hướng sang sử dụng đồng nội tệ trong thương mại, đầu tư để phòng ngừa rủi ro từ những thay đổi về chính trị, địa chính trị, kinh tế và tài chính; đồng thời giúp thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực và thế giới.
Theo số liệu từ Tổng Cục hải quan, nửa đầu năm 2024 thương mại Việt Nam - Lào tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 927 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 349 triệu USD.
Về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Lào thu về 289 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào 19 mặt hàng chính. Xăng dầu là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 42 triệu USD, tăng 40% YoY; đứng sau là sản phẩm từ sắt thép với 23,1 triệu USD, tăng 9,4% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đứng vị trí thứ ba với giá trị 21,9 triệu USD, tăng 3,3% YoY.
Ngoài hai mặt hàng trên, Việt Nam còn xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng với 19,8 triệu USD, tăng 13,7% YoY; sắt thép với 15,9 triệu USD, giảm 31,4% YoY; thức ăn gia súc và nguyên liệu với 12,2 triệu USD, tăng 17,3% YoY; phân bón với 11,8 triệu USD, tăng 14,5% YoY.
Trong nhóm nông sản, Việt Nam còn xuất khẩu rau quả sang Lào với kim ngạch 7,9 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu mặt hàng này lại giảm sâu 61%.
Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 76 tấn cà phê sang Lào, đạt kim ngạch 403.883 USD, tăng lần lượt 49% về lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu cà phê sang Lào lại giảm 4,8%, từ 5.585 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước xuống còn 5.314 USD/tấn tại nửa đầu năm 2024.
Trong nhóm nguyên nhiên liệu, Việt Nam còn xuất khẩu sản phẩm hóa chất sang Lào với 3,8 triệu USD, tăng tới 72% YoY; sản phẩm từ chất dẻo với 9,8 triệu USD, tăng 27% YoY; giấy và sản phẩm giấy với 5,6 triệu USD, giảm 21% YoY; gỗ và sản phẩm gỗ với 4,5 triệu USD, tăng 350% YoY...