Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia theo lời mời của Thủ tướng Campuchia kiêm Chủ tịch ASEAN 2022 - Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị có liên quan, từ ngày 10-13/11/2022, tại Phnom Penh, Campuchia.
Đây là hội nghị các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ trong khối ASEAN và các đối tác thuộc các quốc gia ngoài ASEAN trực tiếp gặp nhau sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao nghị trường, nhằm bàn luận về tình hình khu vực và toàn cầu, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm và khả năng đóng góp của ASEAN trong nỗ lực giải quyết các vấn đề chung.
Chủ đề Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 là “ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức”, với nhiều nội dung liên quan đến hợp tác phục hồi nền kinh tế khu vực; phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng khu vực; nâng cấp quan hệ giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ; xác định động lực và các giải pháp mới để khu vực ASEAN duy trì sự hấp dẫn, tính năng động và tiên phong. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thúc đẩy các quốc gia thành viên tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn với quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...
Nhìn lại 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (từ 1995), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cho biết: "Tuy tham gia ASEAN sau, nhưng Việt Nam luôn thể hiện phương châm hợp tác chủ động - trách nhiệm - sáng tạo - hài hòa và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc định hình các quyết sách lớn của ASEAN, đưa ASEAN trở thành mái nhà chung của 10 quốc gia trong khu vực, đóng góp tích cực xây dựng Hiến chương ASEAN cũng như lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - nguyên Chủ tịch ASEAN 2020 - chủ trì khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 |
Việt Nam không chỉ thực hiện nghiêm túc các cam kết trong nội khối ASEAN, mà luôn là một trong những nước thành viên ASEAN đi đầu, thúc đẩy các nỗ lực trách nhiệm và đóng góp của ASEAN đối với các vấn đề chung toàn cầu, thể hiện qua kết quả của các năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN (2010 và 2020)".
Tiến sĩ Chheang Vanarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) Campuchia, đánh giá: "Với nguồn cảm hứng và trí tuệ Việt Nam, hai năm trước (2020), khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đưa ra thông điệp 'gắn kết và chủ động thích ứng' đã giúp ASEAN phản ứng nhanh hơn, gắn kết hơn khi giải quyết các vấn đề thách thức của khu vực và toàn cầu. Những chủ trương này của Việt Nam vẫn rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai".
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến hợp tác mới trong ASEAN, điển hình gần đây nhất là sự đóng góp các giải pháp thiết thực, cấp bách giúp ASEAN vững vàng cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 với tinh thần đoàn kết, gắn kết. Việt Nam được đánh giá là “cầu nối” giúp thu hẹp những khác biệt và gia tăng tính đồng thuận trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài thông qua cách tiếp cận các vấn đề có tính cân bằng, hài hòa, khách quan, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, giải quyết các khác biệt, bất đồng và tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo bà Sharon Seah - Điều phối viên Học viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, Việt Nam đóng vai trò kết nối các quốc gia biển và lục địa trong ASEAN, điều này giúp phần còn lại của ASEAN rất yên tâm. Việt Nam đang tiếp tục cùng các nước ASEAN bước sang một giai đoạn mới, nỗ lực xây dựng một tầm nhìn mới, tạo ra một sân chơi mới toàn diện hơn trong khu vực.
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, nhận định: "Việt Nam đã và đang tiếp tục chủ động, nỗ lực đóng vai trò xây dựng trong nội khối SEAN cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với EU. Liên minh châu Âu chia sẻ quan điểm của Việt Nam giải quyết các vấn đề dựa trên chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và bảo đảm luật lệ".