Việt Nam có thể tránh chiến tranh thương mại

THANH HUYỀN| 23/07/2018 03:27

PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tin rằng, tỷ giá "mềm dẻo" có thể giúp thương mại Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Việt Nam có thể tránh chiến tranh thương mại

* Ông nhận xét thế nào về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra?

- Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ làm suy giảm kim ngạch thương mại của hai cường quốc này. Khi cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ, trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% giá trị xuất khẩu của quốc gia này.

Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc nhưng nếu căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu về kinh tế lớn hơn Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm "đường vòng" để vào được "sân nhà” của nhau. Thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hồi năm 2016 - 2017 là một ví dụ.

Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc xuất khẩu. Điều này càng đáng lo ngại khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.

* Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang giảm giá, theo ông sẽ tác động thế nào đến các thị trường khác?

- Tính đến cuối quý II/2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể đã bị động trong việc để đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, nên giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá và ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc. Năm 2017 đã có 800 tỷ USD bị rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại đồng nhân dân tệ mất giá.

Nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng bởi thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ mất giá. Hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đang giảm, nhiều khả năng sẽ đổ mạnh sang Việt Nam. Thị trường nội địa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ hàng hóa Trung Quốc do Việt Nam đang là nước nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng vì thế mà gay gắt hơn.

* Theo ông, chính sách như thế nào được cho là phù hợp với kinh tế Việt Nam lúc này?

- Mỹ vẫn duy trì lãi suất tương đối cao, thậm chí tiếp tục tăng lãi suất, khiến đồng USD tăng giá. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và thương mại Việt Nam. Theo tôi, nếu Việt Nam giảm giá VND đối với USD ở mức 2 - 3% là vừa phải. Hiện nay, VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD.

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu được hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc và các nhà xuất khẩu được lợi thêm từ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Việc điều chỉnh tỷ giá có thể mang lại cho Việt Nam lợi ích kép, từ việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng, liên quan đến đầu vào và đầu ra của hàng hóa Việt Nam. Nửa đầu năm nay Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc với kim ngạch 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời gian này, Mỹ cũng vượt EU thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 21,5 tỷ, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2017. Nếu có những điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay, Việt Nam có thể cải thiện được cán cân thương mại.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam có thể tránh chiến tranh thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO