Trong nước

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo việc thu hồi nợ từ doanh nghiệp

K.Hưng 18/06/2024 - 16:03

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị "Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất" được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 17-18/6.

Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ). Với sự tham gia của hơn 150 khách mời là đại diện các cơ quan (Sở Tư pháp, Sở TNMT, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai...) tại 19 địa phương khu vực phía Nam.

Đăng ký biện pháp bảo đảm: Cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn

Đăng ký biện pháp bảo đảm (ĐKBPBĐ) là một trong các công cụ pháp lý, một loại hình dịch vụ công được áp dụng, thực hiện để góp phần minh bạch hóa về tài sản, giao dịch trong nền kinh tế. Đây cũng là một trong các chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia và từng địa phương, giúp minh bạch hóa, công khai hóa tài sản được dùng để đảm bảo các khoản vốn, xác định quyền truy đòi, quyền được ưu tiên thanh toán của chủ thể hoặc các chủ thể cung ứng vốn đối với tài sản bảo đảm....

Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi và nhanh chóng như hạ lãi suất, tháo gỡ các thủ tục hành chính... nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn của nguồn vốn cho cả hệ thống tín dụng. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm là một hình thức để các tổ chức tín dụng đảm bảo việc thu hồi nợ từ doanh nghiệp.

Do vậy, mục tiêu cao nhất của dịch vụ công về ĐKBPBĐ là phải cung cấp kịp thời bảo chứng pháp lý về hiệu lực của đăng ký, về tính thuận lợi, minh bạch, an toàn, kỷ luật và chuẩn mực giám sát các khoản nợ có bảo đảm, tài sản bảo đảm và giao dịch khác liên quan trong nền kinh tế.

Hiệu quả của dịch vụ công về ĐKBPBĐ là cơ sở quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn một cách thuận lợi với chi phí thấp, để các chủ thể cung ứng vốn yên tâm giải ngân các khoản vay một cách an toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

anh-man-hinh-2024-06-18-luc-09.37.19(1).png

Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho rằng, công tác thực hiện và kiểm tra ĐKBPBĐ hiệu quả, nhanh chóng, sẽ có tác động rất lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nói riêng.

Ông Hải dẫn chứng, một doanh nghiệp cần nguồn vốn vay từ ngân hàng để mua hàng từ đối tác, nhưng bắt buộc phải có quyết định ĐKBPBĐ thì ngân hàng mới được giải ngân (căn cứ Điều 25 Nghị định 99/2022/NĐ-CP). Việc thực hiện công tác đăng ký và kiểm tra đăng ký của các cơ quan nhà nước nhanh hay chậm, đôi khi ảnh hưởng đến cả một hợp đồng mua bán hàng hoá lớn của doanh nghiệp. Nếu công tác này chậm, doanh nghiệp có nguy cơ mất đi một cơ hội kinh doanh nếu không có nguồn vốn kịp thời theo yêu cầu của đối tác, nhà bán hàng.

Còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, bên cạnh những kết quả tích cực của công tác ĐKBPBĐ thì thực tế cho thấy còn những tồn tại, hạn chế nhất định mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu vừa qua.

anh-man-hinh-2024-06-18-luc-09.37.34.png
Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai cho biết, trong quá trình thực hiện, cơ quan nhận thấy vẫn còn độ trễ trong việc kết hợp thực hiện các thủ tục giữa các bên liên quan bao gồm khách hàng/ doanh nghiệp, các ngân hàng, các văn phòng công chứng... với cơ quan thực hiện ĐKBPBĐ. "Một văn phòng đăng ký đất đai phải xử lý đến 200 hồ sơ/ ngày. Khi chúng tôi nhận được bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tiến hành đăng ký cho doanh nghiệp thì đã gần hết ngày làm việc, vì vậy rất khó để xử lý trong ngày cho doanh nghiệp".

Ông Tuấn đề xuất cần sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thuận tiện cho việc tra cứu, đăng ký giao dịch bảo đảm, thuận lợi cho người dân cũng như cơ quan thực hiện xử lý hồ sơ.

anh-man-hinh-2024-06-18-luc-09.37.08.png
Các khách mời từ 19 địa phương khu vực phía Nam tham gia Hội nghị

Ngoài ra, trong hoạt động kiểm tra thực hiện công tác ĐKBPBĐ, hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn có các quan điểm khác nhau và việc thực hiện còn chưa thống nhất; mỗi cơ quan, tổ chức làm theo trình tự, thủ tục khác nhau và thường theo thói quen, kinh nghiệm nên làm giảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra.

Giải quyết vấn đề này, ông Chu Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho rằng, việc kiểm tra nội bộ giúp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý những hạn chế, yếu kém trong hoạt động quản lý để đưa ra các giải pháp khắc phục; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý. Ngoài ra, khi tiến hành hoạt động kiểm tra, cần quán triệt mục đích kiểm tra, phạm vi kiểm tra và phân công rõ ràng từng nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn kiểm tra ngay từ khi bắt đầu triển khai. Việc quán triệt này nhằm tránh trường hợp thành viên trong đoàn kiểm tra có những hành vi, thái độ không đúng mực khi tiến hành kiểm tra.

Cũng tại hội nghị, bà Phạm Thị Thịnh - Trưởng phòng đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ TNMT đã chia sẻ về điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 (dự kiến có thể được thực thi vào 1/8/2024). Theo đó, trong quá trình các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cần lưu ý các vấn đề về thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký và thời hạn thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện quyền thế chấp, quyền sử dụng đất đối với chủ thể là đối tượng nhận thừa kế quyền sử dụng đất và vấn đề xử lý tài sản bảo đảm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việc đăng ký biện pháp bảo đảm giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo việc thu hồi nợ từ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO