Góc nhìn

Vì sao chỉ số cảm xúc là đỉnh?

Nhan Húc Quân (*) 25/11/2023 12:00

Chỉ số cảm xúc chính là lòng trắc ẩn, là lương tri của một con người. Bên cạnh đó là biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, biết cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ.

Chúng tôi – những thành viên trong ban giám khảo giải tài năng Lương Văn Can thường hay nói đùa với nhau rằng, ngày doanh nhân (13/10) hằng năm, là ngày chúng tôi phải sắp lịch “chạy show” với các chuỗi sự kiện, nào là trao giải, trao danh hiệu, hội thảo lẫn talk show cùng với cộng đồng doanh giới, đặc biệt với sinh viên một số trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.

ceo-talk.jpg
Tác giả Nhan Húc Quân (phải), bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc TMTM (giữa), và ông Lại Minh Duy – Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST (trái), khi giao lưu với sinh viên.

Đến với ngày doanh nhân năm nay, bộ tam chúng tôi gồm tôi, doanh nhân Lại Minh Duy – TGĐ công ty du lịch TST (top 5 doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu của TP HCM) và bà Phan Thị Tuyết Mai - TGĐ TMTM, cùng thống nhất sẽ dành trọn một buổi sáng để giao lưu và chia sẻ cho các em sinh viên trường Western Sydney Việt Nam tại TP.HCM xoay quanh những câu chuyện về “Đời doanh nhân - Những nẻo đường kinh doanh”.

Một hiện tượng hiếm thấy, khi cả hội trường với gần 200 sinh viên đã có mặt khá đông đủ trước giờ bắt đầu chương trình. Không có tiếng nhạc chuông điện thoại reo bất thình lình, không có những tiếng xì xào tám chuyện từ bên dưới. Các em đã chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, mọi ánh nhìn tập trung về phía sân khấu khi chúng tôi thổ lộ những gian trân, khó khăn và thách thức trong hành trình lập thân - lập nghiệp. Sau đó là cách chúng tôi làm giàu bắt đầu từ thu nhập công việc chính yếu, những đồng bạc lẻ được tích góp qua ngày dài tháng rộng, rồi thi thoảng cả gan đi “đánh du kích” lúc bất chợt nhìn thấy những cơ hội đầu tư có tiềm năng sinh lời ở những lĩnh vực khác như dịch vụ vận tải, thương mại xuất nhập khẩu, chứng khoán, bất động sản… khi trực giác mách bảo. Những va vấp, những cú ngã, những mất mát đã mài giũa tính cách, khí chất và nuôi dưỡng phẩm chất người chiến sĩ thời bình, để tạm gọi là có được sự nghiệp, cơ đồ như ngày hôm nay.

Nhiều cánh tay giơ cao khi chúng tôi quyết định dành thời gian hơn, để nghe sinh viên nói. Cả 3 diễn giả đều đánh giá cao sự mạnh dạn và khả năng tư duy của các em. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng trước câu hỏi của em Hồ Anh Kiệt - sinh viên năm 2 khoa marketing, có ba là kĩ sư phần mềm, mẹ làm nội trợ. Em được người cậu ruột tạo điều kiện để theo học ở trường này.

Em hỏi: “Con thấy chỉ số cảm xúc là chỉ số đỉnh, nhưng mà con không biết phải làm sao để phát triển chỉ số này?”

Tôi dành phần trả lời bắt đầu bằng dẫn dụ câu chuyện, được kể trong quyển sách “Phép màu để trờ thành chính mình” xuất bản năm 2016. Trong một lần về nhà trễ, tôi nhờ đứa con gái rót cho ly nước, nhưng nó vội vàng từ chối vì lý do tại sao mẹ không yêu cầu hai người giúp việc? Trong hình huống đó tôi đã kiềm chế và chuyển hóa cảm xúc bằng một câu khích lệ: “Ly nước con rót cho mẹ sẽ ngọt hơn!”, lúc đó nó cũng chỉ tầm 6-7 tuổi. Vậy mà nó hiểu ý và vui vẻ mang cho mẹ ly nước.

Một câu chuyện khác, là khi tôi quyết định đóng thuế trước bạ sang tên căn hộ chung cư cho một người mua (thay vì tôi chỉ cần đóng thuế thu nhập bán tài sản). Bà ấy ngỡ ngàng trước yêu cầu của công chứng viên, rằng bà cần thêm một số tiền đóng thuế sang tên.

Bà tự sự: “Lương thợ may ba cọc ba đồng, phải tằn tiện lắm, chạy vay bà con, bạn bè một ít mới đủ tiền mua căn hộ.”

Tôi cảm thông được nỗi khổ cực của bà - một người phụ nữ có nước da rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, và đôi bàn tay khẳng khiu. Một nách 3 con, bà phụ trách chuyện cơm nước và dọn dẹp nơi ở cho ba cô con gái đang ở cùng nhà thuê, mà tất cả đều là thợ may trong xí nghiệp.

Chỉ số cảm xúc là lòng trắc ẩn, là lương tri của một con người. Biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, biết cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ. Biết cách nhân rộng những giá trị sống tích cực, lạc quan đến những người xung quanh. Muốn phát triển chỉ số này, phải học cách quan sát, lắng nghe để thấu hiểu, dùng trái tim để cảm nhận những gì đang diễn ra.

Sở dĩ chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) quan trọng hơn cả những chí số khác, như chỉ số thông minh trí tuệ (IQ), chỉ số vượt khó (Advensity quotient), chỉ số thông minh xã hội (Social quotient), chỉ số thông minh sáng tạo (Creative Intelligence), hay chỉ số say mê (Passion quotient), vì chỉ số cảm xúc tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ, năng suất và hiệu suất trong học tập - lao động của một con người. Sự nhạy bén, linh hoạt và quyết đoán của người lãnh đạo hay quản lý, đều được chi phối bởi khả năng hiểu, biến chuyển cảm xúc bản thân và với người khác.

nhq_1.jpg
Tất cả chụp hình kỷ niệm sau khi buổi giao lưu kết thúc

Trong lúc trả lời, tôi thấy em gật đầu, mỉm cười và ghi chép điều gì đó có lẻ khiến em lắng đọng, tâm đắc.

Qua cử cơm trưa, cảm giác bao tử có một chút cồn cào, nhưng chúng tôi cũng nán lại thêm để ký tặng sách và chụp hình lưu niệm cùng các em. Tôi chợt nhớ lại câu nói của ai đó:

“Nhìn thấy sự khốn khó của người khác chỉ là cử chỉ của phản xạ

Hiểu được nỗi khổ, vất vả của kẻ khó đó là nhận thức của thấu cảm

Giúp đỡ khi gặp người đi xin ấy là thiện tâm được kích hoạt

Đỡ đần khi người khác không hỏi đó chính là lòng trắc ẩn.”

(*) Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao chỉ số cảm xúc là đỉnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO