Trong nước

VCCI tiên phong trong kỷ nguyên mới

TS. Đoàn Duy Khương 08/04/2025 17:00

Trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhanh chóng thích nghi và tái cấu trúc để phát triển bền vững. VCCI, với vai trò tiên phong, đang tích cực thúc đẩy ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN. Tổ chức này không chỉ hỗ trợ DN đối phó với thách thức mà còn tận dụng các cơ hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số, giúp DN vững bước trong quá trình phát triển.

Tính đến đầu năm 2025, cả nước đã có trên 900 nghìn DN, chiếm khoảng 50% GDP của Việt Nam. Trong đó, DN vừa và nhỏ chiếm đến 97,5% tổng số DN, DN lớn chỉ chiếm khoảng 2,5%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp xấp xỉ 50% GDP. Trong đó, DN đăng ký chính thức đóng góp hơn 10% GDP, hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh chiếm khoảng 40% GDP.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện tốt chức năng đại diện cho cộng đồng DN, hiện đã kết nạp gần 13 nghìn hội viên và hơn 200 nghìn DN hội viên liên kết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên mới, có ba xu hướng cơ bản mà chính phủ và cộng đồng DN cần chú trọng và đầu tư để phát triển.

Thứ nhất, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên vươn mình, thông qua chiến lược tinh giản bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, phát triển nội lực và đổi mới công nghệ. Điều này diễn ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hoàn thiện cơ chế thị trường. Mục tiêu của những nỗ lực này là nâng cao năng suất lao động, cải thiện mức sống người dân và nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế.

Phát triển kinh tế tư nhân không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH
Kinh tế tư nhân đang phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030

Thứ hai, kinh tế tư nhân đang phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, số lượng DN trên tổng dân số hiện còn thấp so với khu vực và quốc tế. Cứ 1.000 người dân thì mới có một DN. Trong bối cảnh này, VCCI cũng đứng trước những thách thức liên quan đến hệ thống và chất lượng tham gia của hội viên.

Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang chiếm ưu thế trên thế giới, và các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, đã thông báo mức thuế quan đối ứng cao đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế này có thể lên tới 46%, đe dọa đến chiến lược hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Đây là một thách thức lớn, đặc biệt khi kim ngạch thương mại với Mỹ trong năm 2024 đạt hơn 132 tỷ USD, với thặng dư thương mại gần 110 tỷ USD. Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược hợp tác kinh tế quốc tế để đối phó với thay đổi này, đồng thời phải phát triển mạnh mẽ nội lực nền kinh tế và thị trường nội địa.

Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, các chuyên gia kinh tế đưa ra ba giải pháp quyết liệt. Đầu tiên, trong kinh tế thị trường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng đàm phán. Đặc biệt, với thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cần có các cuộc đàm phán ở cấp độ chính phủ và DN để ứng phó với mức thuế quan đối ứng của đối tác.

Về dài hạn, cần nghiên cứu để đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, VCCI cũng cần nghiên cứu và phát triển hệ thống Vietcham tại Mỹ để hỗ trợ các cuộc đàm phán thương mại và đảm bảo vị thế của tổ chức xúc tiến thương mại quốc gia.

Bên cạnh đó, ngày "giải phóng" (Liberty Day) do chính phủ Mỹ tuyên bố vào ngày 2/4/2025, dự báo sẽ dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cấu trúc thương mại thế giới, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Biển Đông, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu trong kỷ nguyên mới và tăng cường phát triển nội lực nền kinh tế cũng như hoàn thiện thị trường theo hướng công bằng và minh bạch.

VCCI, trong vai trò đại diện cho cộng đồng DN trong và ngoài nước, cần tập trung vào ba hướng phát triển chính. Đầu tiên, nâng cao chất lượng hoạt động của VCCI, bằng cách sử dụng các công cụ như Google Trends, SEMrush và SimilarWeb để hiểu rõ hơn về xu hướng ngành nghề và các đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, sử dụng AI để nâng cao chất lượng công tác hội viên, đặc biệt trong việc thu hút DN và hỗ trợ họ qua quy trình hướng dẫn với AI chatbot.

Cuối cùng, VCCI cần hỗ trợ DN phát triển bằng cách tận dụng các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ kinh doanh để khám phá các xu hướng thị trường và các mô hình đang phát triển trong nền kinh tế.

Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, chính phủ, VCCI và cộng đồng DN Việt Nam có thể xây dựng chiến lược cộng hưởng các nguồn lực, nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và góp phần vào thành công của Đại hội Đảng lần thứ 14.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VCCI tiên phong trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO