Văn hóa châu Á dưới ống kính Hollywood

Phúc Như Thủy| 11/12/2021 07:00

Những năm gần đây, hàng loạt phim như Crazy Rich Asians (2018), Mulan (2020), Shang Chi (2021) đều có bối cảnh và nội dung xoay quanh châu Á. Tuy vậy, các phim về châu Á chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của chính cộng đồng khán giả châu lục này và bị chỉ trích là truyền tải sai lệch hoặc chưa đầy đủ văn hóa bản địa.

Văn hóa châu Á dưới ống kính Hollywood

Không phải chuyện mới

Con người và văn hóa châu Á trên phim Hollywood thường bị miêu tả một cách sai lệch và thiếu sự trân trọng cần có, nổi cộm là “tẩy trắng”, tức tuyển diễn viên da trắng cho các nhân vật châu Á, đã xảy ra không ít lần. Tai tiếng nhất có thể kể đến việc giao cho diễn viên người Mỹ Scarlett Johansson đóng vai chính là một người Nhật Bản trong phim chuyển thể Ghost in the Shell (2017) hay Emma Stone vào vai người Hawaii gốc Trung Quốc trong phim Aloha (2013).

Phần lớn nhân vật người châu Á khác được giao đúng diễn viên thì lại bị đóng vai không mấy tích cực, thường thấy là “thiểu số gương mẫu”. Các nhân vật này được miêu tả là mọt sách, chăm chỉ, hiền lành, vâng lời. Cái “mác” này những tưởng là tích cực nhưng lại làm giới hạn lời thoại, không gian phát triển của nhân vật và khiến họ trở nên mờ nhạt, chỉ có thể làm “nền” cho các nhân vật khác.

Các yếu tố văn hóa cũng không thoát khỏi bị bóp méo. Một ví dụ là phim 47 Ronin (2013) kể về 47 lãng nhân thời Edo Nhật Bản xả thân lấy lại danh dự cho chủ cũ, có thêm thắt các yếu tố huyền ảo. Dễ thấy, 47 Ronin nhắm vào thị trường Nhật Bản, với một phiên bản tiếng Nhật  nhưng phim lại mắc nhiều lỗi biểu tượng văn hóa, như sai kiểu tóc của samurai, trộn lẫn trang phục truyền thống của Nhật Bản và Trung Hoa, dùng linh thú rồng vốn tượng trưng cho điềm lành và may mắn trong văn hóa Á Đông làm sức mạnh cho phản diện. Một điểm gây khó hiểu nữa là tuy sở hữu dàn diễn viên Nhật phù hợp với một câu chuyện Nhật, phim lại tập trung vào nhân vật con lai Anh - Nhật do diễn viên 25% gốc Trung Quốc đảm nhận.

Nguyên do

Nguyên nhân dễ nhận thấy là sự thiếu tìm hiểu của các nhà làm phim Hollywood đối với con người và văn hóa châu Á. Thay vào đó, họ tự xây dựng nên một thế giới phương Đông theo suy nghĩ chủ quan, dẫn đến gộp chung hoặc lai căng giữa các nền văn hóa vốn dĩ khác biệt. Việc tự diễn giải các giá trị phương Đông qua lăng kính của các quy chuẩn và giá trị phương Tây cũng khiến chúng bị biến dạng đáng kể.

Tuy thị trường châu Á vô cùng béo bở, nhưng Bắc Mỹ vẫn là thị trường chính của phim Hollywood. Việc cố gắng đảm bảo sự hiện diện của con người và các nét văn hóa châu Á - vốn xa lạ với người Mỹ - có thể sẽ khiến bộ phim đánh mất những khán giả chủ lực. Hơn nữa, một sự thật đáng buồn là hầu như không có ngôi sao gốc Á nào tại Hollywood đủ khả năng bảo chứng cho doanh thu phòng vé. Dĩ nhiên, các nhà làm phim ưu tiên tìm đến những tên tuổi nổi tiếng, thường không phải người gốc Á, dẫn đến những màn “tẩy trắng” kể trên.

Những bước đi đúng hướng

Tuy vậy, người gốc Á tại Hollywood đang được trao nhiều cơ hội hơn. Diễn viên đã có thêm cơ hội hóa thân vào nhân vật gắn liền với nguồn cội của mình. Crazy Rich Asians (2018) là bước ngoặt khi trở thành phim Hollywood đầu tiên trong vòng gần ba thập kỷ có toàn bộ diễn viên là người gốc Á, đạo diễn và một biên kịch của phim cũng là người gốc Á. Các phim Mulan, Shang Chi và huyền thoại Thập Luân (đang chiếu trên các rạp ở TP.HCM tiếp bước Crazy Rich Asians với dàn diễn viên chính đều là người châu Á.

Nội dung của các phim này cũng cho thấy những tiến bộ trong nỗ lực tìm hiểu và tôn vinh văn hóa châu Á, tinh thần và các nét giá trị truyền thống bản địa đã phần nào được thể hiện rõ nét. Shang Chi lần đầu tiên khai thác sâu chuyện gia đình của một siêu anh hùng và hãng đã tái hiện khá tốt một gia đình phương Đông điển hình.

Hai phim Hollywood xoay quanh người châu Á được đánh giá cao về mặt chuyên môn gần đây còn phải kể đến The Farewell (2019) và Minari (2020). Nếu The Farewell là sự đấu tranh nội tâm của cô gái Hoa kiều giữa hai hệ giá trị phương Tây và phương Đông về lời nói dối, thì Minari kể về một gia đình người Hàn Quốc nhập cư chật vật với “giấc mơ Mỹ” cùng những xung đột văn hóa nhẹ nhàng. Tuy toát lên tinh thần châu Á khác nhau, cả hai bộ phim đều đã khai thác những gì mà người nhập cư phải đối mặt, qua đó nêu bật được những giá trị đẹp của văn hóa Á châu. Hai phim này đã thu về nhiều đề cử và giải thưởng, trong đó có 6 đề cử và một giải Oscar 2021 cho Minari.

Những bộ phim trên có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng người gốc Á ở Hollywood nói riêng và là cơ hội cho người châu Á nói chung trong việc phổ biến các giá trị đặc sắc của cộng đồng. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, không ít ý kiến tỏ ra vui mừng vì Hollywood đang đi đúng hướng. Họ kỳ vọng các phim về châu Á sẽ dần cải thiện và tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa châu Á dưới ống kính Hollywood
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO