Giảm bớt phụ thuộc
Gần đây, nước Nga đã chính thức loại bỏ đồng USD ra khỏi Quỹ Tài sản Quốc gia, đồng thời nâng tỷ trọng dự trữ đồng euro, nhân dân tệ và vàng. Cụ thể, tỷ trọng USD trong Quỹ giảm từ 35% xuống 0, trong khi tỷ trọng của đồng bảng Anh giảm còn 5%, tỷ trọng của đồng euro và đồng nhân dân tệ lần lượt tăng lên 39,7% và 30,4%, tỷ trọng của đồng yên ở mức 4,7% và tỷ trọng của vàng là 20,2%.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Nga không mấy êm ấm, Washington đã không ít lần áp các lệnh trừng phạt kinh tế lên Moscow, do đó việc Nga không sử dụng USD trong giao dịch lẫn dự trữ được xem là cách ứng phó với các lệnh trừng phạt, cũng như đề phòng khả năng bị áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế mới.
Nga cũng đã triển khai chính sách bán dầu bằng các loại tiền không phải là đô la Mỹ, mở đường cho châu Âu hoặc Iran, Trung Quốc trong việc thanh toán thay thế bằng đồng tiền khác - chính sách tiếp tục làm suy yếu vị thế của đồng USD, vốn đã được neo chặt vào dầu mỏ 40 năm qua sau khi bản vị vàng bị hủy bỏ vào năm 1971.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng cho biết Nga đã sẵn sàng chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ với các đối tác, trong đó có đồng euro trong các khoản thanh toán khí đốt với EU. Ông Putin cũng cho rằng, bản thân Mỹ không xem trọng đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế, vì họ sử dụng đồng USD như một công cụ cạnh tranh và với mục đích chính trị. Có vẻ như Nga đang muốn trở thành lá cờ đầu trong việc “phế truất” vị thế của đồng đô la Mỹ.
Trong 10 năm trở lại đây, ngày càng nhiều quốc gia ký kết các hiệp định thanh toán song phương sử dụng đồng nội tệ, thay vì thanh toán bằng USD, trong đó Trung Quốc nổi lên là đối tác tích cực nhất nhằm từng bước quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, cũng như tìm kiếm ảnh hưởng lên kinh tế và thương mại của các nước khác.
Tài sản thay thế
Trước việc Trung Quốc và Nga có ý định từ bỏ đồng USD để lập ra một liên minh tài chính chung, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng, Mỹ không sợ Trung Quốc và Nga thôi dùng USD. Theo ông, sức mạnh của đồng tiền Mỹ được đảm bảo bởi các thể chế dân chủ đang vận hành ở Mỹ, các thị trường mở và mức lạm phát thấp.
Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua cho thấy ngày càng nổi lên nhiều tài sản khác có thể đe dọa vị trí thống trị của đồng USD. Giới phân tích cũng cho rằng đồng USD đang rời khỏi vũ đài quốc tế, bởi vì nền kinh tế Mỹ đang dần nhường chỗ cho các nền kinh tế hàng đầu khác, trong khi nợ công của nước này ngày càng tăng vọt, đặc biệt sau những gói kích thích kinh tế khổng lồ được triển khai liên tiếp trong đại dịch Covid-19, khiến giá trị đồng USD đang dần suy yếu.
Đối thủ lớn nhất của USD hiện tại vẫn là đồng euro. Mới đây, châu Âu đã thực hiện một bước đi quan trọng trong việc thiết lập sự hiện diện của đồng euro vượt ra ngoài biên giới EU, khi giữa tháng 6, liên minh này đã phát hành trái phiếu trị giá 20 tỷ euro như một phần của kế hoạch thế hệ tiếp theo của EU (NGEU) nhằm thúc đẩy các nền kinh tế châu Âu. Loại trái phiếu này có thể cạnh tranh với trái phiếu kho bạc Mỹ như một lựa chọn tài sản an toàn.
Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), khoảng 1/3 đến một nửa giá trị của tiền giấy euro được lưu giữ bên ngoài khu vực đồng euro. Khoảng 20% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và một tỷ lệ tương tự các khoản vay xuyên biên giới và trái phiếu được thực hiện bằng đồng euro, trong khi tỷ trọng của đồng USD là khoảng 60%.
Đồng nhân dân tệ cũng đang ngày càng nổi lên như là một đối thủ đáng gờm. Sau khi được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ tiền tệ dự trữ vào năm 2016, đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng đô la Canada và Úc để xếp thứ 5 về giá trị nắm giữ trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, đồng thời ngày càng được sử dụng phổ biến trong hệ thống thanh toán SWIFT. Với chiến lược phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nhiều dự báo còn tin rằng đồng tiền này sẽ làm lung lay vị thế dự trữ và thanh toán của đồng USD.
Vàng cũng là một tài sản đáng được chú ý, khi những năm gần đây, nhiều ngân hàng trung ương đã tích cực mua vàng để đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, đi đầu vẫn là Nga và Trung Quốc. Trung Quốccòn mạnh tay bán trái phiếu Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung được kích hoạt.