Xuất khẩu sang EU: Cần vượt qua rào cản SPS, TBT

HẢI VÂN| 23/02/2017 03:47

Nhiều lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị từ chối khi nhập vào EU do vi phạm tiêu chuẩn SPS và TBT. Đây sẽ là thách thức lớn với DN muốn khai thác tại thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Xuất khẩu sang EU: Cần vượt qua rào cản SPS, TBT

Nhiều lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị từ chối khi nhập vào EU do vi phạm tiêu chuẩn SPS và TBT. Đây sẽ là thách thức lớn đối với những doanh nghiệp (DN) muốn khai thác tại thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, dự kiến trong năm 2018. 

Đọc E-paper

EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2016, Việt Nam chỉ thu về hơn 12,3 tỷ USD xuất khẩu giày dép và hơn 2,99 tỷ USD xuất khẩu va li, túi xách và ô (dù), không đạt mục tiêu tăng trưởng 10% đề ra hồi đầu năm.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, nguyên nhân khiến xuất khẩu của ngành sụt giảm là do những bất ổn về chính trị, cụ thể sự kiện Brexit, khiến tiêu dùng của EU, đặc biệt là Anh chững lại. Số đơn hàng giảm mạnh, với DN vừa và nhỏ giảm tới 30 - 60% so với năm ngoái. Thêm nữa, EU siết chặt hơn các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, khi nhu cầu tiêu thụ giảm, nhiều nước đã thúc đẩy xuất khẩu để vượt khủng hoảng, khiến cạnh tranh vào EU càng gay gắt. Tổng xuất khẩu của Việt Nam hiện tại chỉ đạt 1,5% tổng nhập khẩu của EU, trong đó chỉ có 43% kim ngạch được hưởng thuế 0%. Việc EVFTA hoàn tất đàm phán được kỳ vọng EU sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường này.

Ông Hoàng Văn Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho rằng, mức cắt giảm thuế quan của EU khá cao, cao hơn so với WTO, tương đương các cam kết trong các hiệp định thương mại ký mới đây với Hàn Quốc, Singapore. Theo ông, tại thời điểm EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 năm thi hành EVFTA sẽ tăng từ 4 - 6%. Để có được kết quả đó, phải có những điều chỉnh liên quan đến dịch vụ viễn thông, tài chính, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước và các văn bản liên quan khác để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế. Bộ Công Thương ước tính sẽ phải sửa 44 văn bản, gồm 13 luật, bộ luật, 4 pháp lệnh, 20 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng, 5 thông tư và ban hành 5 văn bản mới.

Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure - Các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Technical Barriers to Trade Agreement - Hàng rào kỹ thuật trong thương mại), phòng vệ thương mại, tạo khuôn khổ pháp lý để 2 bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của DN.

Tuy nhiên, SPS và TBT là 2 vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và môi trường luôn khiến DN Việt Nam quan ngại, dù Việt Nam đã có khá đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh và tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng các tiêu chuẩn này không cao như EU.

EVFTA có các quy định chi tiết, đặc biệt là thanh kiểm tra, công nhận tương đương, tương thích với điều kiện khu vực. Việc giải quyết các vấn đề SPS phải đối mặt với một phạm vi lớn các quy định pháp lý của quốc gia trong kiểm soát nhập khẩu liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn, sự khác biệt về trình độ phát triển, quy định khác biệt về SPS và thực tiễn áp dụng tại mỗi quốc gia, các biện pháp phi thuế quan đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại mở cửa thị trường và chủ nghĩa bảo hộ vẫn còn tồn tại.

>>Tìm đường đưa gỗ Việt Nam vào thị trường EU

Về điểm này, các chuyên gia khuyến cáo, DN xuất khẩu cần cập nhật thông tin về quy định SPS của các nước và đặc biệt là các tiêu chuẩn của ASEAN, tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm Việt Nam thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, có chiến lược thị trường rõ ràng và hiểu tâm lý, phong tục, tôn giáo của người tiêu dùng nước nhập khẩu.

Một điểm quan trọng nữa, việc tuân thủ các yêu cầu TBT là điều kiện tiên quyết để các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận với thị trường EU và thế giới. Các hiệp định FTA có khung về hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận và hợp tác về các vấn đề TBT, khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc tuân thủ của hàng xuất khẩu với các đối tác.

Các hiệp định FTA còn có thể thúc đẩy DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm toàn cầu, thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Các FTA tạo ra khung pháp lý chặt chẽ về TBT, góp phần nâng cao tính minh bạch, tính ổn định và tính dự báo, thúc đẩy đầu tư của DN của cả Việt Nam và đối tác.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, một số ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, giày dép, may mặc của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn SPS và TBT của EU. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã có hành vi vi phạm tiêu chuẩn này và nhiều lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị từ chối khi nhập khẩu vào EU.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm khác, hầu hết các nhà sản xuất ở Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn SPS và TBT của EU. Đây sẽ là thách thức lớn khi muốn khai thác các thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Khả năng tiêu thụ của thị trường EU chưa thể gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn suy thoái nhưng bà Xuân vẫn hy vọng khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm lợi thế để giành thị phần lớn hơn trên thị trường châu Âu. Theo bà Xuân, EU là thị trường truyền thống, quan trọng và có dung lượng tốt.

Bà Xuân nói: “Thời gian từ nay đến 2018 không còn nhiều, DN cần gấp rút hơn nữa trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tài chính để tiếp nhận đơn hàng mới. Tuy vậy, cũng rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc tạo ra cơ chế, chính sách để làm đòn bẩy thúc đẩy DN có được nguồn lực tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu sang EU: Cần vượt qua rào cản SPS, TBT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO